Pachycephalosaurus

khủng long pachycephalosaurus
Tạo hình Pachycephalosaurus trong Jurassic World

Pachycephalosaurus là một loài khủng long kỳ lạ khi sở hữu một món vũ khí vô cùng lợi hại nhưng mỗi khi sử dụng lại có thể gây ra những tổn thương nặng nề cho chính bản thân chúng. Vậy món vũ khí đó là gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về một trong những loài bò sát thú vị bậc nhất đã tồn tại đến những ngày tháng cuối cùng của kỷ nguyên khủng long.

Pachycephalosaurus – loài khủng long gây nhiều tranh cãi

Pachycephalosaurus (nghĩa là “thằn lằn đầu dày”) với loài duy nhất là P. wyomingensis là thành viên nổi tiếng nhất trong họ Pachycephalosauridae, bao gồm các chi khủng long đi bằng hai chân, ăn thực vật và có đặc trưng là một mái vòm dày, cứng nằm ở đỉnh đầu. Các họ hàng của Pachycephalosaurus sống vào cuối kỷ Creta ở Bắc Mỹ và châu Á. Mặt dù cũng đứng hai chân nhưng chúng có quan hệ gần gũi với các khủng long ceratopsian hơn là ornithopod.

Vào cuối những năm 1950, Ferdinand Vandeveer Hayden, một trong những nhà sưu tầm hóa thạch tiên phong thu được một mảnh xương ở thượng lưu sông Missouri, nơi mà ngày nay được xác định là hệ tầng Lance ở Đông nam Montana. Năm 1872, mẫu vật này được Joseph Leidy nhận định là một mảnh giáp mô của một loài bò sát hoặc động vật giống armadillo và con vật được gọi là Tylosteus.

Hơn một thế kỷ sau, Baird nghiên cứu mảnh xương và phát hiện ra đó là một phần xương chẩm (phần xương nằm sau hộp sọ) của loài Pachycephalosaurus. Đến năm 1985, cái tên Pachycephalosaurus chính thức được sử dụng thay vì Tylosteus sau kiến nghị của Baird vì tên cũ đã không được sử dụng trong suốt một thời gian dài, đồng thời không thể hiện đầy đủ thông tin về mặt địa lý hay địa chất học.

Tên loài wyomingensis được đặt bởi Charles W. Gilmore dựa trên phần xương sọ được phát hiện tại hệ tầng Lance, hạt Niobrara, Wyoming. Tuy nhiên, Gilmore đã xếp loài này vào họ Troodon với cái tên T. wyomingensis do có cấu trúc răng tương tự. Sự nhầm lẫn này được đính chính lại năm 1945 bởi Charles M. Sternberg. Năm 1943, Barnum Brown và Erich Maren Schlaikjer đã phân Pachycephalosaurus thành hai loài: P. grangeri thuộc hệ tầng Hell Creek, Montana và P. reinheimeri từ hệ tầng Lance, South Dakota. Cả hai loài sau đó đã được gộp chung thành P. wyomingensis năm 1983.

Cùng tồn tại trong giai đoạn hậu kỷ Creta ở miền Tây Bắc Hoa Kỳ với Pachycephalosaurus là hai thành viên khác trong họ Pachycephalosauria: Stygimoloch spiniferDracorex hogwartsia. Ban đầu, cả ba được xem là những loài riêng biệt dựa vào sự khác nhau về hình dạng xương sọ. Tuy nhiên, đến năm 2007, các nhà khoa học đã chứng minh thực chất Stygimoloch và Dracorex chỉ là những kiểu hình của các cá thể Pachycephalosaurus chưa trưởng thành hoặc con cái. Theo thời gian vòm sọ của chúng phát triển to lên và những gai xương sẽ mất đi.

Đến năm 2016 khi một xương sọ Pachycephalosaurus non được phát hiện tại hệ tầng Hell Creek thì giả thuyết này càng được củng cố do cả ba loài trên đều có các u xương nằm cùng vị trí.

khủng long pachycephalosaurus stygimoloch dracorex
Từ trên xuống: Pachycephalosaurus wyomingensis, Stygimoloch spiniferDracorex hogwartsia (tác giả: Mario Lanzarensis)

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là mặc dù đều được khai quật tại hệ tầng Hell Creek nhưng các hóa thạch của Stygimoloch chủ yếu nằm ở lớp trên trong khi hóa thạch Pachycephalosaurus thuộc về các tầng sâu hơn. Điều này làm sống lại giả thuyết đây là hai chi hoàn toàn khác nhau. Đến năm 2021, Evans và cộng sự đã tách Stygimoloch thành một chi riêng biệt trong hệ thống định danh của họ.

Gã đầu sẹo hiếu chiến

Pachycephalosaurus là chi có kích thước lớn nhất trong họ Pachycephalosauria với chiều dài ước tính khoảng 4,5 m và nặng 450 kg. Dựa trên đặc điểm từ các họ hàng của chúng thì Pachycephalosaurus có lẽ có một cái cổ ngắn và dày dạng chữ S hoặc chữ U, chi trước ngắn, thân hình vạm vỡ, chân sau dài và đuôi dài và nặng được giữ bằng hệ thống dây chằng xương hóa.

Hộp sọ là phần hóa thạch được lưu giữ nguyên vẹn nhất và cũng là đặc trưng của loài khủng long này với một vòm xương lớn trên đỉnh đầu, có thể dày tới 25 cm. Phía sau của vòm xương có nhiều u xương nhỏ cùng các sừng ngắn và tù. Hốc mắt lớn, tròn hướng về phía trước, cho thấy rằng con vật có tầm nhìn tốt và có thị lực hai bên. Ở cuối phần mõm là cái mỏ nhọn với các răng nhỏ và mão răng hình lá.

Cho đến nay, Pachycephalosaurus và các chi họ hàng vẫn được xem là loài ăn cỏ. Tuy nhiên, sở hữu hàm răng nhỏ, có khía, nên chúng không thể nhai thực vật xơ cứng một cách hiệu quả như những giống khủng long khác cùng thời kỳ. Vì vậy, sẽ hợp lý hơn nếu các loài khủng long này sống bằng chế độ ăn hỗn hợp gồm lá, hạt và trái cây. Gần đây, một hóa thạch Pachycephalosaurus chưa trưởng thành được phát hiện cùng với các răng sắc tương tự các theropod ăn thịt, do đó cũng không thể loại trừ khả năng chúng cũng bổ sung thịt vào khẩu phần của mình.

pachycephalosaurus skull at royal ontario museum
Hóa thạch phục dựng của Pachycephalosaurus tại Bảo tàng Royal Ontario, Toronto (nguồn: le maudit)

Pachycephalosaurus từ lâu đã nổi tiếng với tập tính dùng đầu để giao tranh với các cá thể cùng loài, giống với loài cừu sừng lớn hoặc bò xạ hương hiện đại. Các con đực sẽ húc đầu vào nhau để giành quyền thống trị hoặc giao phối với con cái. Tuy nhiên, một số giả thuyết cho rằng Pachycephalosaurus không giao chiến theo cách đó vì mặc dù có bề dày đáng kể nhưng cấu trúc vòm sọ vẫn không đủ chắc chắn để chịu được các sang chấn do va đập.

Ngoài ra, phần cổ của Pachycephalosaurus có dạng chữ S hoặc chữ U, không phù hợp để truyền ứng suất theo phương ngang từ những cú húc đầu trực diện. Vòm sọ hình cầu cũng làm giảm diện tích tiếp xúc khi húc đầu vào nhau, khiến đòn đánh bị chệch hướng.

Thay vào đó, Pachycephalosaurus và các họ hàng của chúng sẽ dùng đầu húc vào mạn sườn đối thủ. Khi đó, một cá thể sẽ đứng song song hoặc đối mặt trực diện và cố gắng đe dọa đối thủ. Nếu chiến thuật này không thành công, Pachycephalosaurus sẽ hạ thấp đầu và húc vào mạn sườn của đối thủ. Giả thuyết này dựa trên cơ sở phần lớn các hóa thạch của các pachycephalosauridae đều có phần thân tương đối rộng, giúp bảo vệ các cơ quan quan trọng khỏi lực va đập.

Các nghiên cứu cũng cho thấy có khoảng 22% các vòm sọ của Pachycephalosaurus có hiện tượng viêm xương, hệ quả của các tổn thương mô mềm nằm ngay trên hộp sọ. Tuy nhiên, ở các các thể pachycephalosauridae có vòm sọ phẳng lại không gặp các tổn thương dạng này, qua đó càng cho thấy đây là con cái hoặc con non, vốn không có tập tính đánh nhau.

pachycephalosaurus fighting
Minh họa cuộc chiến của hai cá thể Pachycephalosaurus (Nguồn: Julius T. Csotonyi/ LiveScience)

Mặc dù có tập tính hiếu chiến và thường xuyên phải chịu những thương tổn nặng nề nhưng phần vòm sọ của các loài pachycephalosauridae được cấu tạo từ một dạng xương tấm sợi đặc biệt, chứa các nguyên bào sợi đóng vai trò quan trọng trong sự lành vết thương đồng thời có khả năng lắng đọng xương rất nhanh trong quá trình tái tạo.

Gần như toàn bộ hóa thạch Pachycephalosaurus đều được khai quật từ hệ tầng Lance và Hell Creek ở miền Tây Hoa Kỳ. Đây cũng là nơi cư trú của các loài khủng long nổi tiếng bậc nhất như Parasaurolophus, Triceratops, Ankylosaurus, Ornithomimus và Tyrannosaurus… Ngoài ra, các dấu vết của Pachycephalosaurus cũng được phát hiện từ hệ tầng Scollar, Alberta thuộc Canada cho đến vùng hoang mạc Coahuila thuộc Mexico ngày nay cho thấy chúng đã từng tồn tại với số lượng lớn với địa bàn phân bố rất rộng.

Cùng với các loài cùng tồn tại trong thời kỳ này, Pachycephalosaurus là một trong những nhân chứng cuối cùng của cuộc Đại tuyệt chủng Creta – Paleogen, chấm dứt thời kỳ thống trị của các loài khủng long.

Pachycephalosaurus cũng là một loài khủng long rất nổi tiếng và được yêu thích khi xuất hiện trên nhiều phương tiện đại chúng giống như Tyrannosaurus rex hay Velociraptor, trong đó nổi tiếng nhất là series Jurassic World. Đây cũng là hình mẫu để tạo nên loài Pokemon tiền sử là Cranidos và hình thức tiến hóa của nó Rampardos.

pokemon cranidos and rampardos based on pachycephalosaurus
Bộ đôi Pokemon Cranidos và Rampardos

Leave a Reply