Deinocheirus và cuộc truy tìm danh tính kéo dài hơn 1/2 thế kỷ

Deinocheirus là khủng long gì?

Đó là câu hỏi đã ám ảnh giới cổ sinh vật học suốt hơn 50 năm, kể từ khi dấu tích của một trong những sinh vật kỳ lạ nhất hành tinh được phát hiện trong biển cát mênh mông của miền Viễn Đông, bởi bàn tay của những người phụ nữ.

Những cánh tay kỳ lạ

Sa mạc Gobi thuộc Mông Cổ không chỉ được biết đến là một trong những nơi khắc nghiệt nhất hành tinh mà còn là mỏ hoá thạch vô cùng phong phú. Từ nửa cuối thế kỷ XX, đã có rất nhiều cuộc khảo sát được tổ chức với kết quả là việc phát hiện được hoá thạch của rất nhiều loài khủng long nổi tiếng như Tarbosaurus, Therizinosaurus

Ngày 9 tháng 7 năm 1965, tại một khu vực được mệnh danh là Altan Ula III (hiện nay thuộc tỉnh Ömnögovi, Mông Cổ) nằm giữa sa mạc Gobi, trước khi kết thúc chuyến khảo sát kéo dài 2 năm phối hợp giữa Viện Khoa học Quốc gia của Ba Lan và Mông Cổ, đoàn khảo cổ dẫn đầu bởi nữ Giáo sư Zofia Kielan-Jaworowska tình cờ phát hiện được một mẫu vật hết sức kỳ lạ nằm giữa các tảng sa thạch trên một ngọn đồi nhỏ.

Đó là một bộ chi trước dài đến 2,4 m còn nguyên cả đai vai với một bộ vuốt khổng lồ bên trái cùng một số xương sườn và đốt sống. Mẫu vật được gọi bằng số hiệu MPC-D 100/18. Dựa vào hình dạng của bộ móng vuốt, nữ Giáo sư Halszka Osmólska – một thành viên khác trong đoàn khảo sát cho rằng đây là phần còn lại của một theropod ăn thịt rất lớn và quyết định đặt cho loài khủng long vừa được phát hiện cái tên Deinocheirus mirificus (nghĩa là “bàn tay khủng khiếp bất thường”) vào năm 1970 .

Bộ xương chi trên của mẫu vật MPC-D 100/18 tại cuộc triển lãm ở Barcelona (tác giả: Eduard Solà)

Cuộc truy lùng dấu vết kéo dài hơn nửa thế kỷ

Tuy nhiên, sau đó không có thêm bất kỳ khám phá nào về Deinocheirus và lai lịch của loài khủng long này dần bị trôi vào quên lãng. Mãi cho đến thập niên đầu thế kỷ XXI, sự quan tâm về sinh vật bí ẩn này mới được hồi sinh, tức là hơn 50 năm sau. Lần này người lĩnh xướng sứ mệnh tìm hiểu về thân thế của khủng long Deinocheirus là Tiến sĩ (TS) Philip J. Currie, nhà cổ sinh vật học nổi tiếng đến từ Canada.

Năm 2008, TS Currie cùng một đoàn khảo cổ phối hợp giữa Hàn Quốc và Mông Cổ quyết định trở lại khu vực năm xưa các nhà khảo cổ Ba Lan đã tìm được các phần xương của Deinocheirus với hy vọng phát hiện thêm các manh mối. Mặc dù đã mời cả GS Kielan-Jaworowska và Rinchen Barsbold – thành viên người Mông Cổ của đoàn khảo cổ năm xưa, tuy nhiên việc xác định chính xác khu vực này giữa biển cát mênh mông của sa mạc Gobi với những dấu vết hết sức mờ nhạt từ hơn 50 trước là vô cùng khó khăn.

Tuy nhiên, những nỗ lực không ngừng nghỉ của TS Currie và các cộng sự đã được đền đáp. Không chỉ xác định được khu vực năm xưa mà họ còn tìm thêm được một số dấu tích quan trọng, bao gồm một ngón chân và một mảnh xương sườn bụng của chính cá thể Deinocheirus năm xưa, đặc biệt trên đó còn lưu lại dấu răng của kẻ ăn thịt đáng sợ nhất vào thời điểm đó: Tarbosaurus. Như vậy, sau khi chết già, con Deinocheirus này đã bị ăn thịt, và điều đó lý giải rằng tại sao phần lớn bộ xương của nó đã biến mất.

Trước đó, vào năm 2006, TS Young – Nam Lee đến từ Học viện Khoa học Trái Đất và Tài nguyên Khoáng sản Đại Hàn trong một chuyến khảo sát đã tìm thấy hoá thạch của một cá thể Deinocheirus chưa trưởng thành (MPC-D 100/128) tại khu vực không xa nơi tìm thấy mẫu vật đầu tiên. Tuy nhiên, bộ hoá thạch đã bị xâm hại nặng nề bởi những kẻ trộm hoá thạch – một vấn nạn nhức nhối trong giới khảo cổ Mông Cổ lúc bấy giờ.

Một năm sau, sự tình cờ đã dẫn đường cho TS Currie đến một trong những phát hiện vĩ đại nhất trong lịch sử nghiên cứu khủng long. Ở một số quốc gia Trung Á, người ta có tập tục để lại tiền hoặc thức ăn ở những nơi linh thiêng để cảm tạ thần linh mỗi khi họ gặp vận may. TS Currie và TS Lee tình cờ tìm thấy một xấp tiền tughrik (đơn vị tiền tệ của Mông Cổ) với màu đỏ khá nổi bật giữa màu cát sa mạc được giấu dưới một tảng đá, nhờ đó họ phát hiện được đây chính là một bãi hoá thạch đã bị những kẻ trộm ghé thăm.

Tại khu vực được gọi là Bugiin Tsav này, đoàn khảo sát tìm thấy một bộ xương bị bỏ lại của một cá thể khủng long rất lớn, chỉ thiếu hộp sọ và các bàn tay. Ngoài ra, hai bàn chân cũng biến mất, chỉ còn sót lại đúng một ngón chân rời rạc. Mặc dù vậy, dựa vào hình dáng của phần chi trước còn sót lại, không khó để xác định đây chính là phần còn lại của một cá thể Deinocheirus (MPC-D 100/127) thậm chí còn lớn hơn cả con đầu tiên được phát hiện.

Các bộ phận bị mất chính là món mồi ngon của bọn trộm hoá thạch (cũng chính là những người để lại xấp tiền giấy), do chúng dễ vận chuyển và có thể bán lẻ với giá trị cao. Do loại tiền trong xấp tiền để lại chỉ vừa được phát hành cách đó không lâu (2002) nên các nhà khoa học vẫn còn hy vọng tìm lại được các bộ phận bị đánh cắp của con vật đâu đó trên thị trường chợ đen, dù đây là một điều vốn dĩ chưa bao giờ dễ dàng.

Tuy nhiên, số phận một lần nữa lại mỉm cười với TS Currie khi vào năm 2011, ông nhận được một cuộc gọi từ Brussels, Bỉ. Ở đầu dây bên kia là người đồng nghiệp đang làm việc tại Học viện Khoa học Tự nhiên Hoàng gia Bỉ (RBINS), Pascal Godefroit. Trước đó, TS Godefroit được Francois Escuillié – giám đốc một nhà đấu giá hoá thạch tại Pháp, nhờ xác định danh tính của một mẫu hoá thạch sở hữu bởi một nhà sưu tập người Đức. Khi đọc về phát hiện của Currie và các cộng sự, TS Godefroit có cảm giác đây là thứ mà họ đang tìm kiếm.

Sau cuộc gọi của TS Godefroit, trong vòng một tuần, TS Currie nhanh chóng đáp máy bay từ Canada đến Bỉ và ngay lập tức vỡ oà khi nhận ra, đây không chỉ là hoá thạch của một con Deinocheirus, mà chính là những phần bị đánh cắp của cá thể Deinocheirus được nhóm của ông phát hiện vào năm 2009. Sở dĩ có thể đưa đến kết luận chắc chắn như vậy vì màu sắc của những hoá thạch này giống hệt mẫu vật MPC-D 100/127, và khi ghép thử bàn chân với ngón chân còn sót lại thì hoàn toàn trùng khớp.

Escuillié sau đó đã thuyết phục nhà sưu tầm hiến tặng lại mẫu hoá thạch cho RBINS để nghiên cứu trước khi trao trả lại cho đất nước Mông Cổ vào năm 2014 thông qua một buổi lễ long trọng có sự góp mặt của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đương nhiệm lúc bấy giờ.

Giờ đây, với ba mẫu vật trong tay, nhóm của Currie đã có thể phác hoạ khoảng 95% hình dạng lúc còn sống của một con Deinocheirus. Và khi TS Lee đại diện nhóm nghiên cứu công bố chính thức về phát hiện này vào cùng năm 2014 đã gây một cơn chấn động không nhỏ trong giới cổ sinh vật thế giới, đa phần là sự ngạc nhiên pha lẫn cảm giác phấn khích đến tột độ.

Các phần hoá thạch tìm được của mẫu vật (a) MPC-D 100/127 và (b) MPC-D 100/128 và (c) mô hình phục dựng bộ xương hoàn thiện của mẫu vật MPC-D 100/127 (nguồn: Lee et al 2014)

Nhiều nhà cổ sinh vật học nổi tiếng rất hào hứng trước phát hiện của TS Lee và các cộng sự, chẳng hạn như TS Thomas R. Holtz đã nói vui rằng loài khủng long mới được mô tả trông như “kết quả của một cuộc tình vụng trộm của Gallimimus và một con hadrosaur.” TS Holtz cũng chia sẻ thêm: “Và bây giờ chúng ta có con vật lai giữa lạc đà và đà điểu này, nếu nó tiến đến bạn sẽ khiến bạn tự hỏi: “Ủa, con quái gì đây?”. À, mà con vật này sẽ trở thành loài khủng long yêu thích của một số đứa trẻ, mà đứa trẻ đó hẳn phải hài hước lắm.”

Nhà cổ sinh vật Stephen Brusatte cũng góp lời: “Các mẫu vật đã giải đáp được bí ẩn xung quanh loài vật này, và bây giờ chúng ta có một loài khủng long quái dị ngoài sức tưởng tượng: khổng lồ, di chuyển chậm, đầu ngựa, lưng gù giống như một tạo vật bước ra từ một bộ phim khoa học viễn tưởng rẻ tiền”.

Điều đáng buồn là nữ khoa học gia Osmólska đã qua đời trước đó, nhưng GS Kielan-Jaworowska vẫn còn ở đó để thay mặt người cộng sự của mình chứng kiến bí ẩn lớn nhất trong sự nghiệp của họ được vén màn bí mật.

Nhà cổ sinh vật học Altangerel Perle đứng giữa mô hình cánh tay của Deinocheirus
(tác giả: Louie Psihoyos/Corbis)

Hình dạng Deinocheirus thực sự như thế nào?

Như vậy, sau hơn 50 năm, bí ẩn lớn nhất về thân phận của Deinocheirus đã được giải đáp bằng nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà cổ sinh vật học với sự trợ giúp của Thần May mắn, giúp chúng ta có cái nhìn khái quát về loài khủng long vô cùng kỳ lạ này.

Deinocheirus size
Kích thước của Deinocheirus so với người trưởng thành (tác giả: Mario Lanzas)

Ấn tượng đầu tiên về Deinocheirus là kích thước khổng lồ với chiều dài có thể lên đến 11,5 m và nặng 6,5 tấn. Khi đứng thẳng, một cá thể Deinocheirus trưởng thành có thể cao từ 3,3 – 3,6 m. Như vậy, đây là thành viên lớn nhất trong họ khủng long Ornithomimosaurian (hay còn gọi là các khủng long giống đà điểu).

Điểm nổi bật thứ hai chính là phần gai sống dài nhô cao từ các đốt sống tạo thành một cấu trúc dạng cánh buồm tương tự như ở Spinosaurus hay Ouranosaurus. Tuy nhiên các cấu trúc này dày hơn các khủng long kể trên nên có lẽ chúng tạo thành một cái bướu thì hợp lý hơn. Cho tới nay, chức năng của bộ phận này vẫn chưa được làm rõ, dù có nhiều giả thuyết được đưa ra. Ngoài ra, từ các gai sống này cũng toả ra các dây chằng giúp gia cố cho phần bụng và đôi chân khổng lồ của con vật, giống cấu trúc của cầu dây văng ngày nay.

Mỗi cá thể Deinocheirus sở hữu cho mình một bộ vuốt, dù không đủ sắc để xé xác con mồi như nhiều theropod ăn thịt khác, nhưng cũng là một món vũ khí tự vệ đáng gờm. Ngoài ra, hai chi trước với chiều dài lên đến 2,5 m mỗi bên giúp con vật dễ dàng kéo lá cây từ trên cao xuống hoặc để vớt các loài thuỷ sinh dưới đáy nước lên.

Nâng đỡ cho cơ thể khổng lồ là cặp chi dưới vạm vỡ hướng về phía sau, trong đó xương đùi dài hơn các xương cẳng chân và bàn chân lớn cho thấy Deinocheirus không thể chạy nhanh như các họ hàng của chúng. Bàn chân dẹt với các móng chân tù giúp con vật không bị chìm sâu xuống đáy nước.

Một đặc điểm đáng chú ý khác là Deinocheirus là một trong số các loài ornithomimosaur có bộ xương rỗng nhất (do chứa nhiều túi khí). Có lẽ điều này góp phần làm giảm khối lượng khổng lồ của con vật. Phân tích vi cấu trúc của xương cũng cho thấy Deinocheirus có tỷ lệ trao đổi chất cao, và mỗi cá thể phát triển rất nhanh trước khi đạt đến độ tuổi trưởng thành về mặt sinh dục.

Phân tích hộp sọ Deinocheirus qua chụp CT scan cho thấy mặc dù bộ não có cấu trúc tương tự với các loài chim và khủng long troodontid, trong đó hành khứu rất lớn (đồng nghĩa với khả năng đánh hơi rất tốt), tuy nhiên tỷ lệ não bộ trên toàn cơ thể lại quá nhỏ so với ornithomimosaur nói riêng và các theropod nói chung mà chỉ tương đương với các sauropod. Vòng xương quanh ổ mắt cũng tương đối nhỏ so với chiều dài hộp sọ cho thấy Deinocheirus là loài hoạt động chủ yếu vào ban ngày

Hộp sọ có hình dáng khá đặc trưng với chiếc mỏ vừa dài vừa dẹt giống của loài vịt hiện đại cho thấy Deinocheirus sở hữu chế độ ăn chuyên biệt hơn phần lớn các ornithomimosaur khác. Các vị trí bám tận của các cơ chịu trách nhiệm cho việc đóng mở hàm chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với toàn bộ hộp sọ cho thấy Deinocheirus có lực cắn khá yếu.

Phần xương ở tận cùng đuôi của Deinocheirus cũng hợp thành một cấu trúc gọi là xương bánh lái (pygostyle) giống như ở các loài chim hiện đại. Đây là nơi bám của lông đuôi, cho thấy Deinocheirus có khả năng sở hữu một bộ lông đuôi rất hoành tráng.

deinocheirus model
Mô hình phục dựng Deinocheirus (tác giả: Max Bellomio/ArtStation)

Deinocheirus ăn gì?

TS Lee cho rằng mặc dù có ngoại hình hầm hố như vậy nhưng thức ăn chủ yếu của Deinocheirus là các loài thực vật thuỷ sinh mọc ở đáy sông và hồ. Khi kiếm ăn, nó dùng cái mỏ rộng và dẹt tương tự như mỏ vịt rà sát đáy hồ và xúc thức ăn vào miệng.

Tạo hình của Deinocheirus trong Prehistoric Planet (nguồn: Apple TV+)

Trong mẫu vật MPC-D100/127, các nhà khảo cổ đã tìm được hàng ngàn viên sỏi trong dạ dày, với đủ mọi kích thước. Số sỏi này có thể đóng vai trò giúp nghiền nát thức ăn trong dạ dày do chúng không có răng. Đây là cách mà đà điểu và nhiều loài chim ngày nay vẫn làm. Lẫn trong các viên sỏi dạ dày, người ta cũng tìm thấy xương và vảy cá, do đó không loại trừ khả năng Deinocheirus là một loài ăn tạp, tuy nhiên chúng có chủ động săn mồi hay các loài vật nhỏ này chỉ vô tình lọt vào miệng khi chúng kiếm ăn vẫn chưa được làm rõ.

deinocheirus
Tạo hình của Deinocheirus trong Prehistoric Planet (nguồn: Apple TV+)

Deinocheirus sống ở đâu?

Mặc dù sa mạc Gobi là một trong những sa mạc lớn nhất trên thế giới nhưng vào 70 triệu năm trước, ở giai đoạn cuối Kỷ Creta, nơi đây được biến đến với tên gọi Bồn địa Nemegt, là một vùng đất trú phù với mạng lưới sông hồ dày đặc cùng hệ sinh thái vô cùng đa dạng. Các Deinocheirus đã từng sinh sống rất nhiều ở đây (cả 3 bộ hoá thạch tìm được chỉ cách nhau khoảng 50 km) cùng với nhiều loài khủng long nổi tiếng khác như Tarbosaurus, Therizinosaurus, Alioramus hay người họ hàng gần gũi của chúng là Gallimimus

Deinocheirus và Therizinosaurus

Trước khi biết rõ về Deinocheirus, đã có lúc người ta cho rằng chúng có quan hệ họ hàng với Therizinosaurus qua kích thước khổng lồ và hình dạng tương đối giống nhau của chi trước, nhất là bộ vuốt. Trên thực tế cả hai không có họ hàng gì mà chỉ là những người hàng xóm của nhau. Trong khi Therizinosaurus là đại diện của họ Therizinosauridae và thường kiếm ăn trong các khu rừng rậm thì Deinocheirus lại ưa thích việc đầm mình trong các khu vực ven sông hồ.

tarbosaurus vs deinocheirus
Tarbosaurus tấn công gia đình Deinocheirus (tác giả: Damir G. Martin/ArtStation)

Deinocheirus và Tarbosaurus

Kích thước khổng lồ biến Deinocheirus thành một con mồi không dễ dàng đối với bất kỳ loài khủng long săn mồi nào trong khu vực, kể cả Tarbosaurus. Tuy nhiên, các con nhỏ và con non lại rất dễ trở thành bữa ăn cho những kẻ ăn thịt này, nhất là khi Deinocheirus không đủ nhanh nhẹn để chạy trốn như các họ hàng của chúng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bell, P.R.; Currie, P.J.; Lee, Y.N. (2012). “Tyrannosaur feeding traces on Deinocheirus (Theropoda:?Ornithomimosauria) remains from the Nemegt Formation (Late Cretaceous), Mongolia”. Cretaceous Research. 37: 186–190. doi:10.1016/j.cretres.2012.03.018

Holtz, T.R. (2014). “Paleontology: Mystery of the horrible hands solved”. Nature. 515 (7526): 203–205.

Kielan-Jaworowska, Z.; Dovchin, N. (1968). “Narrative of the Polish-Mongolian Palaeontological Expeditions 1963–1965” (PDF). Palaeontologica Polonica. 19: 24

Kundrát, M.; Lee, Y.N. (2015). “First insights into the bone microstructure of Deinocheirus mirificus” (PDF). 13th Annual Meeting of the European Association of Vertebrate Palaeontologists: 25.

Lauters, P.; Lee, Y.N.; Barsbold R. ; Currie, P.J.; Kobayashi, Y.; Escuillé, F.O.; Godefroit, P. (2014). “The brain of Deinocheirus mirificus, a gigantic ornithomimosaurian dinosaur from the Cretaceous of Mongolia” (PDF). Society of Vertebrate Paleontology Abstracts of Papers: 166.

Lee, Y.N.; Barsbold, R.; Currie, P.J.; Kobayashi, Y.; Lee, H.J. (2013). “New specimens of Deinocheirus mirificus from the Late Cretaceous of Mongolia” (PDF). Society of Vertebrate Paleontology Abstracts of Papers: 161.

Lee, H.J.; Godefroit, P.; Escuillié, F.O.; Chinzorig, T. (2014). “Resolving the long-standing enigmas of a giant ornithomimosaur Deinocheirus mirificus“. Nature. 515 (7526): 257–260. doi:10.1038/nature13874

Osmólska, H.; Roniewicz, E. (1970). “Deinocheiridae, a new family of theropod dinosaurs” (PDF). Palaeontologica Polonica (21): 5–19.

Paul, G. S. (2016). The Princeton Field Guide to Dinosaurs (2nd ed.). Princeton: Princeton University Press. p. 129. ISBN978-0-691-13720-9.

Pickrell, J.; Currie, P. (2018). The `unusual terrible hands´. in Weird Dinosaurs: The Strange New Fossils Challenging Everything We Thought We Knew. pp. 80 – 97. ISBN978-0231180986

Roy, B.; Ryan, M. J.; Currie, P. J.; Koppelhus, E. B.; Tsogtbaatar, K. (2018). “Histological analysis of the gastralia of Deinocheirus mirificus from the Nemegt Formation of Mongolia”. 6th Annual Meeting Canadian Society of Vertebrate Palaeontology May 14–16, 2018 Ottawa, Ontario. Ottawa. p. 46.

Switek, B. (November 4, 2013). “Mystery Dinosaur Finally Gets a Body”. National Geographic Society.

Watanabe, A.; Eugenia Leone Gold, M.; Brusatte, S. L.; Benson, R. B. J.; Choiniere, J.; Davidson, A.; Norell, M. A.; Claessens, L. (2015). “Vertebral pneumaticity in the ornithomimosaur Archaeornithomimus (Dinosauria: Theropoda) revealed by computed tomography imaging and reappraisal of axial pneumaticity in ornithomimosauria”. PLOS ONE. 10 (12): e0145168.

Leave a Reply