Top 10 loài cá sấu lớn nhất thế giới tiền sử

Cá sấu – sát thủ vượt thời gian

Cá sấu là một trong những sinh vật cổ xưa nhất còn tồn tại trên Trái đất. Các loài cá sấu ngày nay đều thuộc Bộ Cá sấu (Crocodilia), có thể chia làm 3 họ chính bao gồm: họ Cá sấu đích thực (Crocodylidae), Cá sấu mõm ngắn (Alligatoridae) và Cá sấu mõm dài (Gavialidae).

Bộ Crocodilia xuất hiện trên Trái đất vào nửa cuối Kỷ Creta (khoảng 95 triệu năm trước) nhưng nếu truy ngược nguồn gốc tiến hóa của chúng từ các loài bò sát cổ archosaur dòng cá sấu (Pseudosuchia hay Crurotarsi) thì niên đại thậm chí còn xa xưa hơn rất nhiều, có thể đến tận 250 triệu năm trước.

cá sấu Lolong
Lolong giữ kỷ lục cá sấu nước mặn lớn nhất từng bị bắt giữ với chiều dài 6,17 m (tác giả: Toto Lozano)

Cá sấu là loài vật săn mồi đỉnh cao và luôn gây nên những cơn ác mộng cho con người hay bất kỳ loài vật nào bén mảng vào lãnh địa của chúng, đặc biệt là các loài cá sấu nước mặn (Crocodylus porosus) hay cá sấu sông Nile (Crocodylus niloticus). Cá sấu nước mặn cũng cũng chính là loài bò sát lớn nhất còn tồn tại với chiều dài con trưởng thành có thể lên đến 7 m. Tại Việt Nam, cá thể cá sấu lớn nhất từng được ghi nhận dài khoảng 6,3 – 6,8 m, dựa trên kích thước một hộp sọ cá sấu nước mặn phát hiện được tại Cần Thơ.

Tuy nhiên, trong lịch sử tiến hóa đầy phức tạp kéo dài hàng trăm triệu năm của loài bò sát cổ xưa này, có những thành viên có kích thước thậm chí còn lớn hơn rất nhiều lần. Và một điều may mắn cho chúng ta là không còn loài nào trong danh sách dưới đây còn tồn tại, do mức độ đáng sợ của chúng.

Trong bài viết này, để tiện cho việc theo dõi, chúng tôi xin phép sử dụng thuật ngữ “cá sấu” để chỉ chung cho những thành viên thuộc Bộ Cá sấu (Crocodilia) và các họ hàng xa của chúng có chung nguồn gốc từ các Pseudosuchia.

10. Machimosaurus rex (≈ 7,2 m)

Machimosaurus là một chi bò sát dạng cá sấu thuộc siêu họ Teleosauroidea nằm trong nhánh Thalattosuchia, bao gồm 5 loài là M. hugii, M. mosae, M. nowackianus, Machimosaurus buffetauti M. rex. Đây là chi bò sát dạng cá sấu lớn nhất được ghi nhận trong Kỷ Jura, trong đó loài to lớn nhất vừa được phát hiện gần đây tại Tunisia là M. rex với chiều dài ước tính khoảng 7,2 m.

Mô hình bộ xương của Machimosaurus được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Brussels, Bỉ (tác giả: Ghedoghedo)

Các Machimosaurus là chi bò sát dạng cá sấu sống trong môi trường nước biển. Loài bò sát này có thể là một kẻ ăn thịt cơ hội (ăn xác thối hoặc cướp con mồi của những loài ăn thịt khác) hoặc có tập tính săn mồi ven bờ giống cá sấu hiện đại, thông qua các dấu răng của chúng trên hóa thạch của các sauropod sống cùng thời và cùng địa điểm. Ngoài ra, phân tích cấu trúc hộp sọ và bộ răng còn cho thấy Machimosaurus có thể dễ dàng nghiền con mồi ưa thích là các loài vỏ cứng như rùa cổ đại.

Cùng với một số thành viên khác trong siêu họ Teleosauroidea, các Machimosaurus đã sống sót qua cuộc Đại Tuyệt chủng vào cuối Kỷ Jura, dù số lượng không còn được phong phú như trước kia.

So sánh kích thước hộp sọ các loài trong chi Machimosaurus: (A) M. buffetauti, (B) M. mosae, (C) M. hugii, (D) M. rex (nguồn: F. Fanti et al)

9. Mourasuchus amazonensis (≈ 9,47 m)

Mourasuchus là một chi cá sấu Caiman tồn tại ở Thế Miocene, có quan hệ rất gần với Purussaurus. Hóa thạch đầu tiên của Mourasuchus được phát hiện trong rừng Amazon thuộc lãnh thổ Brazil do đó chúng được đặt tên là M. amazoniensis. Tổng cộng có 4 loài Mourasuchus đã được phát hiện bao gồm: M. nativus, M. arendsi, M. atopusM. amazonensis.

Do chỉ có các hóa thạch của hộp sọ là còn nguyên vẹn nên việc xác định chính xác kích thước của Mourasuchus là vô cùng khó khăn. Dựa trên tỷ lệ đầu và thân của các loài cá sấu mõm ngắn, họ hàng gần nhất còn tồn tại đến nay của các chi cá sấu này, tác giả Cidade và cộng sự đã đưa ra con số ước tính chiều dài trung bình của với loài nhỏ nhất là M. atopus, khoảng 6,3 m và lớn nhất là M. amazonensis, dài 9,47 m.

Khu vực nơi Mourasuchus sinh sống có khá nhiều loài cá sấu khác cùng sinh sống, chẳng hạn như Purussaurus neivensis, Purussaurus mirandai hay Gryposuchus cùng một số loài cá sấu caiman hay gharial khác. Lý do Mourasuchus có thể cùng sinh tồn với các loài cá sấu khét tiếng này đến từ việc chúng lựa chọn các nguồn thức ăn khác nhau.

Hình ảnh phục dựng của Mourasuchus (tác giả: Renata Cunha)

Mourasuchus sở hữu cấu trúc bộ hàm vô cùng kỳ lạ rất giống với Stomatosuchus, do đó chúng không thể bắt giữ con mồi và kéo xuống nước như cách các loài cá sấu vẫn thường làm. Thay vào đó, có nhiều giả thuyết được đặt ra về tập tính kiếm ăn của loài cá sấu này, trong đó được ủng hộ nhiều nhất là khả năng kiếm ăn theo kiểu tấm lọc.

8. Sarcosuchus imperator (≈ 9,5 m)

Sarcosuchus là loài bò sát dạng cá sấu sống ở đầu Kỷ Creta (giai đoạn Hauterive đến Alb, khoảng 95 – 133 triệu năm trước) tại khu vực ngày nay là châu Phi và Nam Mỹ. Sarcosuchus không phải cá sấu thực sự mà chỉ có họ hàng xa với các loài cá sấu ngày nay.

Các ước tính mới nhất về kích thước của Sarcosuchus cho thấy một cá thể trưởng thành có thể dài từ 9 – 9,5 m và nặng 3,5 – 4,3 tấn. Kẻ ăn thịt này sở hữu một bộ hàm đáng sợ chiếm hơn 75% chiều dài hộp sọ với hơn 140 chiếc răng. Ở phần đầu mõm có một cấu trúc phình to tương tự cá sấu gharial ngày nay, hiện vẫn chưa rõ chức năng là gì. Tuy nhiên, đặc điểm này hiện diện ở mọi cá thể chứ không chỉ riêng ở con đực như cá sấu gharial, qua đó cho thấy chúng không giữ vai trò phân biệt giới tính.

Sarcosuchus bắt mồi (tác giả: EldarZakirov/Deviant Art)

Nhà khảo cổ học nổi tiếng Paul Sereno cho rằng loài bò sát khổng lồ này có chế độ ăn tương tự cá sấu sông Nile ngày nay và con mồi ưa thích của chúng có thể là các loài khủng long sống ở ven các vùng nước của Hệ tầng Elrhaz, nơi mà ngày nay là sa mạc Ténére, bao gồm cả loài khủng long ăn thịt nổi tiếng Suchomimus.

8. Stomatosuchus inermis (≈ 10 m)

Stomatosuchus là một loài bò sát dạng cá sấu thuộc họ Stomatosuchidae sống vào Giai đoạn Cenoman thuộc nửa cuối Kỷ Creta. Loài bò sát này có chiều dài có thể lên đến 10 m đồng thời sở hữu hình dáng vô cùng kỳ lạ: phần hàm trên dài và dẹp giống như mỏ vịt, được viền xung quanh bởi hàng chục chiếc răng nhỏ hình nón. Trong khi hàm dưới không có răng và có cấu trúc giống túi cổ ở chim bồ nông.

Stomatosuchus inermis (tác giả: Jonathan Harris/Art Station)

Với bộ hàm kỳ quặc này, có vẻ như chế độ ăn chính của chúng là cá và không đáng sợ như nhiều loài cá sấu khác. Tuy nhiên, loài bò sát này có thực sự “vô hại” như tên gọi của chúng không (Stamatosuchus inermis nghĩa là “cá sấu miệng không có vũ khí”) vẫn còn là một bí ẩn khi hóa thạch duy nhất của chúng, được phát hiện bởi nhà khảo cổ lừng danh Ernst Stromer, đã bị phá hủy trong một cuộc oanh tạc của quân Đồng minh vào Bảo tàng Munich trong Thế chiến thứ hai.

7. Euthecodon brumpti (≈ 10 m)

Euthecodon brumpti (tác giả: Roman Yevesev)

Euthecodon là chi cá sấu cổ đại từng tồn tại ở khu vực châu Phi ngày nay trong Kỷ Neogene (cách đây 20,45 – 23,03 triệu năm). Euthecodon là một trong những chi cá sấu lớn nhất Đại Tân sinh, với hóa thạch của một cá thể được phát hiện tại Bồn địa Turkana Basin có chiều dài ước tính lên đến 10 m. Chỉ tính riêng hộp sọ của mẫu vật này đã dài 1,52 m.

Euthecodon có cái mỏ dài tương tự các cá sấu ghavial ngày nay. Nhìn từ trên xuống, hộp sọ của chúng tương tự như một lưỡi cưa. Euthecodon chủ yếu ăn cá và cùng chia sẻ địa bàn của mình với một số loài cá sấu khác như Crocodylus checchiai hay Eogavialis sp.

Có ba loài Euthecodon đã được xác định định: E. arambourgi, E. brumpti E. nitriae. Trong đó loài đầu tiên, E. arambourgi đã tiến hóa thành E. nitriae và sau đó là E. brumpti. Các Euthecodon biết mất khỏi Trái đất khi bước sang Kỷ Pleistocene.

5. Gryposuchus croizati (≈ 10,15 m)

Gryposuchus là chi cá sấu mõm dài từng tồn tại ở Nam Mỹ trong Thế Miocene thuộc Kỷ Neogene. Có khoảng 4 loài Gryposuchus đã được xác định, trong đó lớn nhất là G. croizati, được phát hiện ở Venezuela và được mô tả năm 2008, có thể đạt chiều dài đến 10,15 m và nặng 1,7 tấn.

Tạo hình của Gryposuchus trong game Jurassic World Alive (tác giả: Joe Lesaffre)

Gryposuchus là chi cá sấu có số lượng đông đảo và đa dạng nhất trong phân họ cá sấu Gryposuchinae, với địa bàn phân bố trải dài từ Venezuela đến Argentina và tồn tại trong gần như toàn bộ Thế Miocene.

Gryposuchus là một trong hai chi cá sấu duy nhất trong phân họ Gryposuchinae (còn lại là chi Hesperogavialis) thích nghi được với môi trường nước ngọt, trong khi các chi còn lại phân bố ở cửa sông hoặc dọc theo các bờ biển. Điều này khiến chúng dễ dàng sinh tồn trong hệ thống sông ngòi và đầm lầy dày đặc mà sau này trở thành rừng Amazon mà không gặp quá nhiều cạnh tranh.

Vào giai đoạn chuyển tiếp giữa Thế Miocene và Pliocene, các biến động địa chất và khí hậu ở Nam Mỹ đã quét sạch các loài trong siêu họ Gavialoidae (bao gồm Gryposuchus) và Crocodyloidea khỏi lục địa này. Trong khi đó, các cá sấu Caiman vẫn sống sót được dù phải trải qua một sự suy giảm đáng kể về chủng loài và kích thước.

4. Rhamphosuchus crassidens (≈ 8 – 11 m)

Rhamphosuchus là một chi cá sấu mõm dài cổ đại sống ở Thế Miocen với một loài duy nhất là R. crassidens. Các hóa thạch của chúng được phát hiện tại một số nơi ở Pakistan và Ấn Độ, chủ yếu gồm các mảnh sọ và răng. Trước đây, Rhamphosuchus được xem là loài cá sấu cổ đại dài nhất với chiều dài ước tính vào khoảng 15 – 18 m. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đã bác bỏ ý kiến này và cho thấy kích thước thực tế của chúng chỉ vào khoảng 8 – 11 m.

Hóa thạch xương hàm của R. crassidens được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Paris (tác giả: Ghedoghedo)

Các nghiên cứu trước đây cho rằng Rhamphosuchus thuộc phân họ Tomistominae và là họ hàng gần gũi với cá sấu Mã Lai (hay còn gọi là cá sấu mõm dài giả). Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới nhất năm 2022, Iijima và cộng sự đã xác định lại loài cá sấu này là thành viên của phân họ Gavialinae, tức là cá sấu mõm dài thực sự.

Cá sấu mõm dài Ấn Độ – họ hàng còn tồn tại của Rhamphosuchus (tác giả: Charles J. Sharp)

Giống như những người họ hàng còn sống của mình, có lẽ cá là loại thức ăn chính của Rhamphosuchus. Tuy nhiên, để nuôi sống cơ thể với kích thước khổng lồ này thì chế độ ăn của loài cá sấu cổ đại này phải phong phú hơn nhiều, không loại trừ khả năng chúng cũng săn các loại động vật khác ven bờ.

3. Aegisuchus witmeri (≈ 9 – 11m)

Aegisuchus là một loài cá sấu đầu dẹt sống vào Giai đoạn Cenoman cuối Kỷ Creta. Cái tên của loài bò sát dạng cá sấu này xuất phát từ hình dạng hộp sọ giống cái khiên.

Dựa vào một số ít hóa thạch thu được, bao gồm một số mảnh sọ, các nhà khoa học cho rằng toàn bộ hộp sọ của Aegisuchus có thể dài từ 2,08 – 2,86 m. Đối chiếu với tỷ lệ cơ thể của cá sấu mõm dài gharial, một cá thể Aegisuchus có thể dài đến 15 – 21 m hoặc 16 – 22 m nếu dựa theo tỷ lệ của các loài cá sấu mõm ngắn. Các con số này đã gây nên rất nhiều tranh cãi, và có lẽ kích thước thực sự của loài bò sát này không vượt quá 15 m.

Hình ảnh phục dựng của Aegisuchus (tác giả: Henry P. Tsai)

Aegisuchus là kẻ săn mồi mai phục trên những con sông và đầm lầy của Tập Kem – kem. Tập địa chất này ngày nay thuộc Morocco và được mệnh danh là một trong những khu vực nguy hiểm nhất trong lịch sử tự nhiên Trái đất, khi cùng chia sẻ lãnh địa với Aegisuchus là những loài khủng long ăn thịt khét tiếng nhất: CarcharodontosaurusSpinosaurus.

2. Deinosuchus hatcheri (≈ 12 m)

Vùng đất mà ngày nay là lãnh thổ Bắc Mỹ vào cuối Kỷ Creta thực sự là một nơi vô cùng nguy hiểm, đặc biệt đối với các động vật nhỏ hay các loài ăn thực vật. Không chỉ phải đối mặt với những kẻ săn mồi tàn bạo trên cạn như các khủng long bạo chúa, mà khu vực ven bờ cũng chưa bao giờ an toàn với sự hiện diện của một trong những sinh vật đáng sợ nhất mọi thời đại: siêu cá sấu Deinosuchus.

Kẻ ăn thịt khổng lồ này sống cách đây 73 – 82 triệu năm, và thống trị các vùng nước ven bờ của khu vực Bắc Mỹ ngày nay. Các hóa thạch của chúng đã được tìm thấy ở hơn mười tiểu bang, cả ở bờ Tây và bờ Đông. Trong khi quần thể Deinosuchus ở bờ Đông có số lượng đông đảo hơn thì các cá thể sinh sống ở phía Tây lại có kích thước vượt trội. Dựa theo khu vực sinh sống, các nhà khảo cổ cũng phân chi cá sấu này thành hai loài: D. hatcheri/riograndensis ở phía Tây ( lục địa Laramidia) và D. rugosus/schwimmeri (lục địa Appalachia).

Deinosuchus là họ hàng gần gũi của cá sấu mõm ngắn nên nhìn chung không có nhiều khác biệt về hình dạng, chỉ có kích thước to hơn nhiều lần (có thể dài đến 12 m). Tuổi thọ của Deinosuchus có thể lên đến 50 năm, dài hơn rất nhiều so với các loài cá sấu hiện đại.

Deinosuchus săn cả các khủng long bạo chúa (tác giả: Raul D. Martin/National Geographic)

Deinosuchus là kẻ săn mồi đầu bảng ở khu vực chúng sinh sống, đặc biệt ở bờ Đông Bắc Mỹ – nơi không có nhiều loài ăn thịt đạt đến kích thước của chúng. Giống như các hậu duệ của mình, Deinosuchus cũng mai phục ở ven bờ và chờ cơ hội bắt và dìm chết con mồi dưới nước chúng bằng bộ hàm khổng lồ. Các dấu tích trên hóa thạch của một số loài khủng long bạo chúa cũng cho thấy chúng cũng có thể trở thành nạn nhân của gã phàm ăn khổng lồ này.

1. Purussaurus brasiliensis (≈ 10,3 – 12,5 m)

Purussaurus là chi cá sấu caiman lớn nhất từng tồn tại, với 3 loài đã được xác định là P. brasiliensis, P. neivensis P. mirandai. Hóa thạch của chi cá sấu khổng lồ này được tìm thấy rải rác ở nhiều nơi trên khắp Nam Mỹ và đều có niên đại thuộc Thế Miocene. Trong đó, mẫu vật lớn nhất là một hộp sọ của một cá thể P. brasiliensis dài đến 1,45 m. Tuy nhiên, do chỉ có hộp sọ được phát hiện nên chỉ có thể ước tính rằng P. brasiliensis dài từ 10,3 m – 12,5 m và nặng 5,16 – 8,4 tấn.

Sở hữu kích thước khổng lồ kèm theo một lực cắn có thể lên đến 52 500 N, thậm chí có thể đến 69 000 N, Purussaurus không có thiên địch trong môi trường sống của chúng. Để có thể nuôi dưỡng cơ thể khổng lồ như vậy, mỗi cá thể có thể phải cần đến một lượng thức ăn trung bình khoảng 40,6 kg/ngày.

Purussaurus săn mồi (tác giả: atrox1/Deviant Art)

Tuy nhiên, kích thước cơ thể khổng lồ cũng là một nhược điểm chí mạng của chi cá sấu này khi chúng vô cùng nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường. Đó là lý do tại sao loài cá sấu này đã biến mất hoàn toàn khỏi lịch sử, nhường chỗ cho các họ hàng nhỏ và dễ thích nghi hơn.

Tài liệu tham khảo

Cidade et al. (2017), A new Mourasuchus (Alligatoroidea, Caimaninae) from the late Miocene of Venezuela, the
phylogeny of Caimaninae and considerations on the feeding habits of Mourasuchus. PeerJ 5:e3056; DOI 10.7717/peerj.3056

Holliday CM, Gardner NM (2012) A New Eusuchian Crocodyliform with Novel Cranial Integument and Its Significance for the Origin and Evolution of Crocodylia. PLoS ONE 7(1): e30471. https://doi.org/10.1371/journal.pone.0030471

Sereno P, Larsson H (2009) Cretaceous Crocodyliforms from the Sahara. ZooKeys 28: 1-143. https://doi.org/10.3897/zookeys.28.325

Fanti, F., et al., The largest thalattosuchian (Crocodylomorpha) supports teleosaurid survival across the Jurassic-Cretaceous boundary, Cretaceous Research (2015), http://dx.doi.org/10.1016/j.cretres.2015.11.011

Iijima, M.; Qiao, Y.; Lin, W.; Peng, Y.; Yoneda, M.; Liu, J. (2022). “An intermediate crocodylian linking two extant gharials from the Bronze Age of China and its human-induced extinction”. Proceedings of the Royal Society B: Biological Sciences. 289 (1970): 20220085. doi:10.1098/rspb.2022.0085

Ziegler, T., Tao, N. T., Minh, N. T., Manalo, R., Diesmos, A., & Manolis, C. (2019). A giant crocodile skull from Can Tho, named “Dau Sau”, represents the largest known saltwater crocodile (Crocodylus porosus) ever reported from Vietnam. Academia Journal of Biology41(4). https://doi.org/10.15625/0866-7160/v41n4.14581

Leave a Reply