Deinonychus (“móng vuốt khủng khiếp”) là một chi khủng long từng gieo rắc kinh hoàng trên vùng đất ngày nay là Bắc Mỹ vào giai đoạn đầu kỷ Creta, vào khoảng 115 – 108 triệu năm trước.
Deinonychus và thời phục hưng của khủng long
Hóa thạch của Deinonychus được tìm thấy ở nhiều nơi trên khắp Bắc Mỹ, từ hệ tầng Cloverly ở Montana và Wyoming cho đến hệ tầng Antlers ở Oklahoma. Mẫu vật đầu tiên được khai quật ở miền nam bang Montana năm 1931 bao gồm gồm một số chiếc răng thuộc về một loại khủng long ăn thịt bí ẩn bên cạnh hóa thạch của loài Tenontosaurus khổng lồ. Hơn ba mươi năm sau, vào tháng 8 năm 1964, nhà khảo cổ John Ostrom phát hiện thêm nhiều phần xương hóa thạch tương tự gần Bridger, Montana. Các cuộc khai quật trong hai năm tiếp theo đã phát hiện thêm 1000 mảnh xương của ít nhất ba cá thể cũng thuộc loài này.
Ostrom công bố phát hiện của mình vào tháng 2 năm 1969 và loài khủng long này chính thức được đặt tên là Deinonychus antirrhopus (antirrhopus nghĩa là “đối trọng” trong tiếng Hy Lạp, dựa trên chức năng của cái đuôi). Phát hiện của Ostrom vào năm 1969 đã gây chấn động giới khảo cổ thời bấy giờ. Trước đó, khủng long luôn gắn liền với hình tượng những loài bò sát khổng lồ, chậm chạp. Các hóa thạch Deinonychus cho thấy đã từng có sự hiện diện của các loài khủng long nhanh nhẹn với kích thước nhỏ hơn rất nhiều. Đồng thời cũng cho thấy khủng long có khả năng là loài máu nóng.
Vài năm sau, Ostrom nhận thấy có sự tương đồng giữa chi trước Deinonychus và cánh của các loài chim hiện đại, làm củng cố giả thuyết rằng tổ tiên của các loài chim chính là khủng long. Hơn 40 năm sau, như chúng ta đã biết, giả thuyết này đã được biết đến và chấp thuật rộng rãi.
Deinonychus – cỗ máy săn mồi khủng khiếp
Deinonychus là một trong những loài raptor nổi tiếng nhất, có quan hệ rất gần gũi với Velociraptor sống ở Trung Á. Cả hai loài đều là thành viên của phân họ Velociraptorinae, với xu hướng dùng vuốt chân để giết con mồi hơn thay vì bộ hàm như các họ hàng của chúng thuộc phân họ Dromaeosaurine.
Deinonychus có thể dài đến 3,4 m (trong đó hộp sọ dài 41 cm), chiều cao khi đứng tính đến phần hông là 0,87 m và nặng 73 kg, tương đương một người trưởng thành. Khác với Velociraptor, Deinonychus có phần vòm sọ rắn chắc hơn giống của Dromaeosaurus. Trên xương sọ và xương hàm dưới có các lỗ giúp làm giảm bớt trọng lượng phần đầu. Deinonychus sở hữu bộ hàm rất khỏe với khoảng 70 cái răng sắc như dao cạo.
Các nghiên cứu về sinh động học cơ hàm của Deinonychus năm 2005 cho thấy lực cắn tối đa của một cá thể trưởng thành chỉ bằng 15% lực cắn của cá sấu mõm ngắn Mỹ. Tuy nhiên, đến năm 2010, Gignac và cộng sự phát hiện các dấu răng Deinonychus trên xương của một con Tenontosaurus. Điều đó chứng tỏ Deinonychus có khả năng nhai nát xương con mồi, qua đó cho thấy lực cắn thực tế cao hơn rất nhiều so với các ước tính trước đó, vào khoảng 4100 – 8200 N. Con số này cao hơn cả các loài thú ăn thịt hiện đại như linh cẩu và tương đương với một con cá sấu mõm ngắn cùng trọng lượng.
Mặc dù chưa tìm được bằng chứng cụ thể trên Deinonychus nhưng đã phát hiện được dấu tích của lông vũ trên các họ hàng gần của chúng như Velociraptor và Microraptor. Vì vậy, rất có khả năng cơ thể Deinonychus cũng được bao phủ bởi lớp lông tương tự.
Deinonychus có các bàn tay lớn cùng ba móng vuốt mỗi bên, trong đó móng đầu tiên ngắn nhất và móng thứ hai dài nhất. Mỗi chân sau có một móng vuốt dạng lưỡi liềm ở ngón thứ hai. Đây chính là điểm đặc trưng đã tạo nên tên tuổi của Deinonychus nói riêng và các loài raptor nói chung. Hình dạng và độ cong của móng vuốt khác nhau giữa từng cả thể. Sự khác biệt này được cho là phụ thuộc vào giới tính và độ tuổi.
Các raptor trên các phương tiện đại chúng thường được mô tả như các con vật chạy rất nhanh. Tuy nhiên, khi phân tích tỷ lệ xương đùi và xương chày của Deinonychus, đem so sánh với các loài chim không biết bay như đà điểu, cho thấy Deinonychus không chạy quá nhanh như tưởng tượng và chắc chắn không đạt được vận tốc của đà điểu.
Sự nguy hiểm của Deinonychus
Deinonychus thường sống gần các đầm lầy hoặc ven sông. Hệ tầng Cloverly và Antlers, nơi tìm thấy các hóa thạch Deinonychus có địa hình bao gồm các khu rừng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới, đồng bằng và duyên hải, là nơi sinh sống của các loài khủng long ăn thực vật như Sauropelta, Zephyrosaurus và Tenotosaurus. Ở hệ tầng Antler còn có thêm kẻ ăn thịt đáng gờm Acrocanthosaurus, loài sauropod khổng lồ Sauroposeidon và các loại cá sấu Goniopholis cùng Pauxysuchus.
Tại hệ tầng Cloverly, các hóa thạch Tenontosaurus thường được phát hiện kèm theo răng của Deinonychus. Cá biệt có trường hợp tìm thấy hóa thạch của nhiều cá thể Deinonychus ở các lứa tuổi khác nhau bên cạnh hóa thạch Tenotosaurus. Trọng lượng tối đa của Deinonychus chỉ vào khoảng 70 – 100 kg, trong khi một con Tenontosaurus trưởng thành nặng từ 1 – 4 tấn. Do đó, một cá thể Deinonychus đơn độc không thể nào hạ gục được con vật khổng lồ này, nên có khả năng Deinonychus săn mồi theo bầy.
Tuy nhiên, năm 2007 của Roach và Brinkman đặt nghi vấn về tập tính săn mồi theo bầy của Deinonychus, dựa trên hiện trường các bãi hóa thạch Tenontosaurus. Các loài bò sát hiện đại như cá sấu, rồng Komodo và chim thường không có tập tính phối hợp săn mồi. Thay vào đó, chúng thường kiếm ăn đơn độc, hoặc cùng bị thu hút bởi xác chết của con mồi. Tại đó diễn ra các cuộc xung đột giữa những cá thể cùng loài. Ví dụ, khi một nhóm rồng Komodo cùng thưởng thức bữa tiệc xác con mồi, con lớn nhất sẽ được ăn trước. Nó sẽ tấn công các con nhỏ có ý định tranh giành và nếu một con bị giết, nó sẽ bị các con còn lại ăn thịt. Đối chiếu với hiện trường nơi phát hiện hóa thạch Tenotosaurus thì hoàn toàn trùng khớp do tại đây có cả hóa thạch của các cá thể Deinonychus chưa trưởng thành, với một số bộ phận bị mất có khả năng đã bị ăn thịt bởi đồng loại.
Deinonychus có thể tung ra những cú đá cực mạnh với những móng vuốt có thể giết chết con mồi ngay tức khắc nếu trúng vào những vị trí hiểm yếu như mạch máu lớn hay cổ họng. Ngoài ra, móng vuốt còn giúp chúng giữ cho con mồi không thể vùng vẫy hay trốn thoát. Sau đó, kẻ ăn thịt sẽ thưởng thức bữa ăn ngay khi nạn nhân còn vẫn còn ý thức.
Bộ vuốt lợi hại này còn giúp Deinonychus có thể bám vào các bề mặt như thân cây hay vách đá. Cơ thể đầy lông vũ còn giúp hạn chế các ảnh hưởng của trọng lực lên con vật, do đó có thể thấy Deinonychus là những tay leo trèo cự phách. Khả năng này giúp chúng có thể phục kích con mồi hiệu quả hơn. Và rất có thể đây chính là hành động sơ khai nhất trong quá trình phát triển khả năng bay của các loài chim sau này.