Điểm danh 12 loài khủng long Nhật Bản đã được công bố

Khủng long Nhật Bản có tồn tại hay không?

Trích từ truyện ngắn Doraemon tập 31, tác giả Fujiko F. Fujio (Nguồn: NXB Kim Đồng)

Câu hỏi của nhân vật Nobita có lẽ cũng là điều trăn trở của cố tác giả Fujiko F. Fujio và những người đam mê khủng long Nhật Bản thời bấy giờ. Thời điểm câu chuyện trên được sáng tác là vào năm 1984. Trước đó, chưa từng có hoá thạch của bất kỳ một loài khủng long nào được phát hiện trên lãnh thổ nước Nhật (trừ trường hợp đặc biệt của Nipponosaurus).

Quá trình hình thành Quần đảo Nhật Bản (nguồn: Geopark&uminobunkakan)

Trên thực tế, quần đảo Nhật Bản chỉ bắt đầu bị tách ra khỏi lục địa Âu – Á (Eurasia) khi Biển Nhật Bản hình thành vào khoảng 15 – 25 triệu năm trước. Như vậy, ở thời điểm cuộc Đại Tuyệt chủng Creta – Miocene diễn ra và chấm dứt sự thống trị của khủng long, quần đảo này vẫn là một phần của lục địa Eurasia. Do đó, trên lý thuyết, đây hoàn toàn có thể là nơi sinh sống của nhiều loại khủng long và sinh vật tiền sử khác, đặc biệt khi trên đại lục Eurasia tồn tại một hệ sinh thái tiền sử đa dạng không thua bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Như vậy tại sao lại không tìm thấy khủng long ở Nhật Bản?

Câu trả lời rất có thể là vùng đất ngày nay là Quần đảo Nhật Bản đã từng có rất nhiều loài khủng long và các sinh vật tiền sử khác sinh sống. Tuy nhiên, các biến động tự nhiên đã xoá sạch các dấu vết về sự tồn tại của chúng.

Không phải loài sinh vật nào chết đi các phần còn lại của chúng cũng trở thành hoá thạch mà phải phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên của khu vực nơi chúng sinh sống. Cấu tạo địa chất của Nhật Bản có lẽ không phù hợp để hình thành nên các trầm tích giúp lưu trữ các bằng chứng của sự sống dưới dạng hoá thạch.

Thêm vào đó, các hoạt động địa chất diễn ra với cường độ mạnh và tần suất rất cao ở khu vực này rất dễ dàng xoá sổ các hoá thạch (nếu có). Do đó, không thể nói khủng long hay các loài cổ sinh vật khác không sinh sống tại Nhật Bản mà có khả năng các dấu vết về sự hiện diện của chúng đã biến mất theo thời gian.

Tuy nhiên, rải rác trên khắp Quần đảo Nhật Bản vẫn có những nơi có điều kiện thích hợp để lưu giữ được hoá thạch khủng long và Mỏ hoá thạch Kitadani thuộc tỉnh Fukui là một trong những nơi nổi tiếng nhất. Tại đây, vào năm 1989, các hoá thạch khủng long đầu tiên trên Quần đảo Nhật Bản đã được phát hiện. Kể từ đó đến nay, cơn sốt khủng long Nhật Bản bắt đầu nóng trở lại khi hàng loạt phát hiện, phần lớn đều xuất phát từ tỉnh Fukui, được công bố. Và đó chính là câu trả lời rõ ràng nhất cho câu hỏi liệu khủng long Nhật Bản có tồn tại hay không?

Các hiện vật hoá thạch khủng long Nhật Bản hiện nay được trưng bày chủ yếu tại Bảo tàng Khủng long Tỉnh Fukui toạ lạc tại Katsuyama. Mặc dù có tuổi đời còn khá non trẻ nhưng Bảo tàng Khủng long Tỉnh Fukui được đánh giá là một trong những bảo tàng về khủng long tốt nhất trên thế giới.

Một góc Bảo tàng khủng long Fukui với số lượng hiện vật vô cùng phong phú (nguồn: ana-cooljapan.com)

Như vậy, cho đến nay, có thể nói nước Nhật đã sở hữu cho riêng mình một bộ sưu tập khủng long tương đối phong phú, chưa kể đến những phát hiện chưa được mô tả và đặt tên. Hãy cùng chúng tôi điểm qua một số loài khủng long và bò sát cổ ở Nhật Bản đã được công bố.

1. Paralitherizinosaurus japonicus

paralitherizinosaurus khủng long Nhật bản mới nhất
Phục dựng hình ảnh Paralitherizinosaurus japonicus (tác giả: Masato Hattori)

Paralitherizinosaurus japonicus là loài mới nhất được đặt tên trong số các khủng long được phát hiện trên lãnh thổ Nhật Bản. Nhìn vào cái tên, không khó đoán rằng đây là một loài họ hàng thân thuộc của khủng long vuốt dài Therizinosaurus nổi tiếng. Trong sơ đồ tiến hoá mới được cập nhật của họ Therizinosauridae, Paralitherizinosaurus nằm chung nhánh với TherizinosaurusSuzhousaurus.

Hóa thạch của Paralitherizinosaurus được phát hiện năm 2000 tại Hệ tầng Osoushinai, nay là Thị trấn Nakagawa thuộc tỉnh Hokkaido. Ngoài ra, còn có một số mẫu vật cũng được cho là thuộc về loài này cũng được tìm thấy trên Đảo Honshu và Đảo Kyushu. Trong khi phần lớn các khủng long therizinosaur đều sinh sống chủ yếu ở Trung Hoa đại lục (ngoại trừ Falcarius) thì Paralitherizinosaurus là loài thứ ba và cũng là trẻ nhất thuộc họ khủng long maniraptoran nổi tiếng này được phát hiện tại Nhật Bản, tuy nhiên hai loài kia chưa được xác định.

Việc phát hiện được hóa thạch của các therizinosaur ở Nhật Bản cho thấy họ khủng long này bắt đầu di cư về bờ Đông của lục địa Eurasia và đã thích nghi với đời sống ven biển, trước khi khu vực này bị tách hoàn toàn khỏi đại lục bởi Biển Nhật Bản vào Thế Miocene.

2. Yamatosaurus izanagii

Loài khủng long có cái tên mang đậm tính huyền sử này (Yamatai là một vương quốc cổ của người Nhật, còn Izanagi là tên vị thần đã dùng ngọn giáo ngọc khuấy nước biển tạo nên quần đảo Nhật Bản ngày nay) được công bố trước Paralitherizinosaurus không bao lâu. Các hoá thạch của Yamatosaurus đã được phát hiện trên đảo Awaji từ năm 2004 nhưng gần 10 năm sau, người phát hiện ra chúng là Shingo Kishimoto mới quyết định hiến tặng lại cho Bảo tàng Tự nhiên và Hoạt động Nhân loại Nhật Bản tại tỉnh Hyogo để nghiên cứu.

Yamatosaurus (phía trước) và Kamuysaurus (phía sau) (tác giả: Masato Hattori)

Yamatosaurus là một thành viên của họ khủng long mỏ vịt Hadrosauridae nổi tiếng, có mức độ tiến hoá cao hơn Hadrosaurus nhưng lại thấp hơn Lambeosaurus. Những kẻ ăn thực vật khổng lồ này tồn tại vào Giai đoạn Maastrict cuối Kỷ Creta (71,94–71,69 triệu năm trước), do đó có lẽ chúng cùng sinh sống chung với loài khủng long họ hàng cũng được phát hiện tại Nhật Bản là Kamuysaurus.

3. Kamuysaurus japonicus

Phục dựng hình ảnh Kamuysaurus (tác giả: Masato Hattori)

Hoá thạch định danh của loài khủng long ăn cỏ này được tìm thấy trong một lớp trầm tích biển có nguồn gốc từ Hệ tầng Hakobuchi thuộc giai đoạn Maastricht (70,6 – 72,4 triệu năm trước). Cho đến nay, đây là một trong các mẫu vật được bảo quản nguyên vẹn nhất của một loài khủng long tại Nhật Bản.

Mẫu vật định danh HMG-1219 (nguồn: Kobayashi et al)

Mẫu vật này thuộc về một cá thể trưởng thành khoảng 9 tuổi và xác của nó đã bị cuốn trôi ra biển trước khi bị chìm sâu xuống tầng đáy và được bảo quản khỏi những kẻ ăn thịt cơ hội khác. Kamuysaurus là một loài hadrosaurid (khủng long mỏ vịt) có kích thước tương đối lớn với chiều dài đến 9 m và nặng khoảng 4 – 5 tấn.

Xác của một cá thể Kamuysaurus trôi dạt trên biển (nguồn: Kobayashi et al)

4. Koshisaurus katsuyama

Koshisaurus là một chi khủng long mỏ vịt (hadrosauroid) với một loài duy nhất là K. katsuyama. Các hóa thạch của chúng được tìm thấy tại Hệ tầng Kitadani, thuộc tỉnh Fukui (tên cũ là Koshi), Nhật Bản. Tương tự như các khủng long được phát hiện ở hệ tầng này, Koshisaurus sống vào đầu Kỷ Creta ở khu vực ven bờ biển phía Đông của đại lục châu Á và chia sẻ địa bàn với nhiều loài khủng long dạng mỏ vịt khác, trong đó có Fukuisaurus tetoriensis.

Phục dựng hình ảnh Koshisaurus

5. Fukuisaurus tetoriensis

Đây là một trong những loài khủng long được phát hiện sớm nhất trên Quần đảo Nhật Bản. Hoá thạch của chúng được tìm thấy năm 1989 tại Hệ tầng Kitadani (ngày nay thuộc tỉnh Fukui, Nhật Bản) có niên đại từ 121,4 – 129,4 triệu năm trước trước khi được chính thức mô tả và đặt tên vào năm 2003. Fukuisaurus với loài duy nhất là F. tetoriensis thuộc nhóm các khủng long ornithopod ăn thực vật.

Fukuisaurus có cấu trúc cơ thể tương đối giống các họ hàng nổi tiếng của chúng như Iguanodon hay Ouranosaurus, ngoại trừ kích thước tương đối nhỏ, với chiều dài chỉ vào khoảng 4,5 m và cân nặng 400 kg đối với cá thể trưởng thành.

Phục dựng hình ảnh Fukuisaurus (tác giả: Andrey Atuchin)

6. Fukuititan nipponensis

Fukuititan nipponensis giúp khẳng định sự phong phú cho hệ sinh thái khủng long của Hệ tầng Kitadani khi là loài sauropod duy nhất được phát hiện tại khu vực này và thứ hai trên toàn Quần đảo Nhật Bản.

Mô hình Fukuititan kích thước thật được trưng bày tại Fukui (tác giả: Yoshihide Fujitani)

Mặc dù được gọi là “titan” nhưng trên thực tế loài khủng long này khá nhỏ bé so với những người họ hàng thuộc nhánh sauropod có tên là Titanosauriform của chúng, với chiều dài chỉ vào khoảng 10 m. Đặc điểm này có lẽ là để thích nghi với điều kiện sống không phong phú tại khu vực này. Phân tích các hóa thạch xương đuôi cho thấy Fukuititan có họ hàng gần với Borealosaurus sống ở đại lục Trung Hoa.

7. Fukuiraptor kitadaniensis

Phục dựng hình ảnh Fukuiraptor (tác giả: Daniel Lopper/Artstation)

Fukuiraptor là một trong những đại diện nổi tiếng nhất của các khủng long được phát hiện tại Nhật Bản. Chi khủng long theropod ăn thịt này sống vào giai đoạn đầu của Kỷ Creta (cách đây khoảng 113 – 129 triệu năm). Các hoá thạch của chúng được phát hiện tại Kitadani thuộc tỉnh Fukui. Trong đó, các mẫu vật lớn nhất thuộc về một cá thể chưa trưởng thành có chiều dài ước tính khoảng 4,3 m và nặng 590 kg. Do đó, khi phát triển toàn diện loài khủng long này có thể đạt kích thước lớn hơn.

Các Fukuiraptor sở hữu một bộ vuốt rất lớn ở chi trước, đó là lý do tại sao ban đầu chúng được xếp vào họ Dromaeosauridae hay còn gọi là các khủng long raptor. Ngoài ra, các Fukuisaurus còn sở hữu một bộ răng mang cả đặc điểm của CarcharodontosauridaeTyrannosauridae.

Chính vì các đặc điểm này nên việc phân loại Fukuiraptor đã gây ra rất nhiều tranh cãi. Quan điểm trước đây cho rằng chúng thuộc họ Neovenatoridae, vốn có họ hàng rất gần gũi với các Carcharodontosauridae. Tuy nhiên, các ý kiến gần đây đều xem đây là một loài khủng long megaraptoran, và trên thực tế các megaraptoran có liên quan đến họ Tyrannosauroidea nên có thể xem Fukuiraptor là một loài coelurosaur thay vì carnosaur như trước đây.

8. Fukuivenator paradoxus

Fukuivenator là một khủng long theropod thuộc nhóm coelurosaur sống cách đây khoảng 115 – 127 triệu năm vào Giai đoạn Barrmie hoặc Apt của Kỷ Creta. Các hóa thạch của chúng được phát hiện vào năm 2007 tại khu vực thuộc Hệ tầng Kitadani, ngày nay là tỉnh Fukui của Nhật Bản. Địa danh này cũng là nguồn gốc của cái tên của chúng, được đặt năm 2016 bởi Yoichi Azuma và các cộng sự, trong đó có Giáo sư Từ Tinh nổi tiếng.

Phục dựng hình ảnh Fukuivenator (tác giả: Gabriel Uguetto)

Fukuivenator có kích thước tương đối nhỏ, chỉ dài khoảng 245 cm và nặng 25 kg. Dựa vào cấu trúc răng của chúng cho thấy đây không phải là loài ăn thịt đơn thuần mà có thể ăn cả thực vật (ăn tạp), một hình thức tiến hóa để thích nghi với điều kiện sống tương đối nghèo nàn của khu vực này.

Mặc dù là một trong những hóa thạch khủng long hoàn thiện nhất được tìm thấy ở Nhật Bản, tuy nhiên Fukuivenator lại là một trong những loài gây tranh cãi về nguồn gốc nhiều nhất. Fukuivenator sở hữu những đặc điểm giải phẫu độc đáo hiện diện ở những coelurosaur nguyên thủy và cả những thế hệ sau. Các phân tích phả hệ cho thấy chúng thuộc về một nhóm khủng long giống Maniraptor và các đặc điểm giống với các Dromaeosauridae hay raptor được giải thích là kết quả của sự tiến hóa hội tụ. Trong nghiên cứu mới nhất năm 2021 lại cho thấy đây là một therizinosaur nguyên thủy.

9. Fukuipteryx prima

Phục dựng hình ảnh Fukuipteryx (nguồn: Imai et al)

Loài khủng long chỉ vừa được phát hiện năm 2016 và đặt tên năm 2019 này là một mắt xích trong mối liên hệ giữa khủng long và chim hiện đại. Trong sơ đồ tiến hóa của lớp Avilae, Fukuipteryx nằm ở một nhánh tách biệt và có mức độ tiến hóa cao hơn Archaeopteryx. Fukuipteryx có kích thước và hình dạng tương tự một con chim bồ câu ngày nay, tuy nhiên vẫn có những đặc điểm riêng để khiến chúng chưa thể xem là một loài chim thực thụ.

Đáng chú ý, ở Fukuipteryx sở hữu một đặc điểm vốn hiện diện ở nhiều loài chim hiện đại tuy nhiên không tồn tại ở các loài chim sơ khai sống ở đầu Kỷ Creta. Đó là một mảnh xương hình tam giác được gọi là xương bánh lái nằm ở chóp đuôi. Cấu trúc này không chỉ đơn thuần là nơi bám của lông đuôi mà còn được cho là một bước tiến hoá quan trọng thể hiện sự tinh giản bớt bộ phận đuôi để phục vụ cho động tác bay.

Tuy nhiên, quan niệm này đã không được đồng tình do trên thực tế Fukuipteryx không thể bay, trong khi một số loài chim nguyên thuỷ như Jeholornis dù sở hữu cái đuôi dài vẫn có thể làm được điều này.

10. Albalophosaurus yamaguchiorum

Phục dựng hình ảnh Albalophosaurus (tác giả: Masato Hattori)

Albalophosaurus có nghĩa là “thằn lằn mào trắng”. Cái tên này không được dựa theo hình dáng của chúng vì thực tế rất khó biết được màu sắc của khủng long khi còn sống, mà lấy cảm hứng từ những đỉnh núi quanh năm tuyết phủ của Núi Hakusan thuộc tỉnh Ishikawa, nơi những hóa thạch của loài khủng long này được phát hiện vào năm 1997.

Albalophosaurus là một chi khủng long ceratopsian ornithischian, với chỉ một loài duy nhất là A. yamaguchiorum. Hiện vẫn chưa rõ loài khủng long này sống vào giai đoạn nào do khu vực địa chất nơi phát hiện được các hóa thạch của chúng, Hệ tầng Kuwajima không có đủ các hóa thạch chỉ điểm để xác định niên đại. Chỉ có thể ước đoán hệ tầng này được hình thành vào đầu Kỷ Creta, có lẽ vào giữa giai đoạn Berriasia và Barremia hoặc Valanginia – Hauterrivia.

11. Nipponosaurus sachalinensis

Trên danh nghĩa Nipponosaurus là loài khủng long đầu tiên được phát hiện bởi người Nhật, tuy nhiên hoá thạch của chúng lại không nằm ở trên lãnh thổ của chính quốc Nhật Bản. Các mẫu vật này được tìm thấy vào năm 1934 bởi Giáo sư Takumi Nagao trong khi đang xây dựng một bệnh viện trên Đảo Sakhalin (khi đó phần phía Nam của Đảo Sakhalin được gọi là tỉnh Karafuto thuộc Đế quốc Nhật Bản, sau năm 1945 bị Liên Xô chiếm đóng và ngày nay là một phần lãnh thổ của Nga).

Phục dựng hình ảnh Nipponosaurus (tác giả: Masato Hattori)

Bộ hoá thạch được Giáo sư Nagao phát hiện dù tương đối hoàn thiện nhưng vẫn thiếu một số bộ phận quan trọng như hộp sọ và các chi. Đây được cho là phần còn lại của một cá thể chưa trưởng thành và được đặt tên là Nipponosaurus sachalinensis. Tuy nhiên, ở thời điểm đó có khá nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là dạng chưa trưởng thành của một số loài khủng long đã được xác định trước đó, và cái tên này dần bị rơi vào quên lãng hơn 70 năm cho đến khi một cuộc hồi cứu trong giai đoạn 2004 – 2017 đã đưa ra kết luận cho thấy đây là một loài riêng biệt.

Nipponosaurus là thành viên của họ Lambeosaurinae, gồm những khủng long hadrosaur có mào, có quan hệ gần gũi với loài Lambeosaurus hay Hypacrosaurus nổi tiếng. So với các họ hàng của chúng, loài khủng long này chỉ có kích thước trung bình với chiều dài vào khoảng 4 m.

12. Tambatitanis amicitiae

Loài khủng long được đặt theo thành phố Tamba (hay còn gọi là Tanba) thuộc tỉnh Hyogo, Nhật Bản là một chi titanosauriform cổ dài ăn thực vật. Các hoá thạch của chúng được phát hiện dưới lòng sông Sasayama bởi hai nhà cổ sinh vật nghiệp dư là K. Adachi và S. Murakami vào năm 2006. Tuy nhiên, mất đến 5 năm (2006 – 2010) để có thể đưa số hoá thạch tìm được lên khỏi lớp trầm tích đá bùn có nguồn gốc từ tập Sasayama (khoảng đầu Kỷ Creta) lên mặt đất do chỉ có thể tiến hành khai quật ở một số thời điểm nhất định trong mùa đông khi mực nước sống xuống thấp nhất.

Phục dựng hình ảnh Tambatitanis (tác giả: Masato Hattori)

Tương tự như loài sauropod đã được phát hiện trước đó tại Nhật Bản là Fukuititan, Tambatitanis có kích thước không quá lớn so với những họ hàng nổi tiếng khác, với chiều dài chỉ vào khoảng 14m và cân nặng 4 tấn.

Futabasaurus suzukii

Futabasaurus không phải là một loài khủng long nhưng chúng tôi vẫn đưa vào danh sách này bởi vì đây chính là nguyên mẫu của “chú khủng long” Pisuke được nhân vật Nobita tìm thấy và nuôi dưỡng trong tập truyện dài “Doraemon: Chú khủng long của Nobita” nổi tiếng. Đây là một plesiosaur hay bò sát biển cổ rắn thuộc họ Elasmosauridae sống vào khoảng 83,6 – 86,3 triệu năm trước. Điều thú vị là hoá thạch của Futabasaurus cũng được phát hiện bởi một cậu học sinh là Tadashi Suzuki tại tỉnh Fukushima.

Mô hình bộ xương Futabasaurus trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia về Tự nhiên và Khoa học Nhật Bản (tác giả: Dick Thomas Johnson/wikipedia)

Một sự trùng hợp khác là vào năm 2006, thời điểm mà loài bò sát biển này chính thức được công bố và đặt tên, các nhà làm phim Nhật Bản đã quyết định làm mới lại tập phim “Doraemon: Chú khủng long của Nobita” bằng các công nghệ tiên tiến hơn.

Doraemon, Nobita và “khủng long” Pisuke (nguồn: Shin – Ei Animation)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Azuma, Y.; Shibata, M. (2010). “Fukuititan nipponensis, a new titanosauriform sauropod from the Early Cretaceous Tetori Group of Fukui Prefecture, Japan”. Acta Geologica Sinica – English Edition. 84 (3): 454–462. doi:10.1111/j.1755-6724.2010.00268.x.

Azuma, Y., Xu, X., Shibata, M. et al. (2016). “A bizarre theropod from the Early Cretaceous of Japan highlighting mosaic evolution among coelurosaurians”. Sci Rep 6, 20478. https://doi.org/10.1038/srep20478

Barnes, G. L. “Origins of the Japanese Islands: The New ‘Big Picture.’” Japan Review, no. 15, 2003, pp. 3–50.

Hattori, S.; Kawabe, S.; Imai, T.; Shibata, M.; Miyata, K.; Xu, X.; Azuma, Y. (2021). “OSTEOLOGY OF FUKUIVENATOR PARADOXUS: A BIZARRE MANIRAPTORAN THEROPOD FROM THE EARLY CRETACEOUS OF FUKUI, JAPAN” (PDF). Memoir of the Fukui Prefectural Dinosaur Museum. 20: 1–82.

Imai, T., Azuma, Y., Kawabe, S., Shibata, M., Miyata, K., Wang, M., & Zhou, Z. (2019). “An unusual bird (Theropoda, Avialae) from the Early Cretaceous of Japan suggests complex evolutionary history of basal birds”. Communications Biology, 2(1). doi: 10.1038/s42003-019-0639-4

Kobayashi, Y. et al. (2019). “A New Hadrosaurine (Dinosauria: Hadrosauridae) from the Marine Deposits of the Late Cretaceous Hakobuchi Formation, Yezo Group, Japan”. Scientific Reports. 9 (1): 12389.

Kobayashi, Y.; Takasaki, R.; Kubota, K.; Fiorillo, A. R. (2021). “A new basal hadrosaurid (Dinosauria: Ornithischia) from the latest Cretaceous Kita-ama Formation in Japan implies the origin of hadrosaurids”. Scientific Reports. 11 (1): Article number 8547.

Kobayashi, Y. et al. (2022). “New therizinosaurid dinosaur from the marine Osoushinai Formation (Upper Cretaceous, Japan) provides insight for function and evolution of therizinosaur claws”. Sci Rep 12, 7207; doi: 10.1038/s41598-022-11063-5.

Ohashi, T.; Barrett, P. M. (2009). “A new ornithischian dinosaur from the Lower Cretaceous Kuwajima Formation of Japan”. Journal of Vertebrate Paleontology. 29 (3): 748–757.

Nagao, T. (1936). “Nipponosaurus sachalinensis – A new genus and species of trachodont dinosaur from Japanese Saghalien”. Journal of the Faculty of Science, Hokkaido Imperial University. Ser. 4, Geology and Mineralogy. 3 (1): 185–220.

Saegusa, H.; Tanaka, S; Ikeda, T.; Matsubara, T.; Frutani, H.; and Handa, K. (2008). “On the occurrence of sauropod and some associated vertebrate fossils from the Lower Cretaceous Sasayama Group of Hyogo Prefecture, SW Japan”. Journal of Fossil Research 41(1):2-12.

Saegusa, H.; Ikeda, T. (2014). “A new titanosauriform sauropod (Dinosauria: Saurischia) from the Lower Cretaceous of Hyogo, Japan”. Zootaxa. 3848 (1): 1–66.

Sato, T.; Hasegawa, Y.; Manabe, M. (2006). “A new elasmosaurid plesiosaur from the Upper Cretaceous of Fukushima, Japan”. Palaeontology. 49 (3): 467–484.

Shibaba, M.; Azuma, Y. (2015). “New basal hadrosauroid (Dinosauria: Ornithopoda) from the Lower Cretaceous Kitadani Formation, Fukui, central Japan” (PDF). Zootaxa. 3914 (4): 421–440. doi:10.11646/zootaxa.3914.4.3

Takasaki, R.; et al. (2017). “Reanalysis of the phylogenetic status of Nipponosaurus sachalinensis (Ornithopoda: Dinosauria) from the Late Cretaceous of Southern Sakhalin”. Historical Biology. 30 (5): 1–18.

Leave a Reply