Quetzalcoatlus

Hình ảnh phục dựng của Quetzalcoatlus (tác giả Damir G. Martin)

Quetzalcoatlus là một loài thằn lằn có cánh sống ở hậu kỷ Creta ở Bắc Mỹ, được xem là một trong những sinh vật bay lớn nhất từng tồn tại trong lịch sử. Đây là một thành viên của họ Azhdarchidae, bao gồm nhiều loài thằn lằn bay cùng chung đặc điểm là không có răng và có cổ dài.

Quetzalcoatlus – loài “rắn bay” thần thoại

Tên chi được đặt theo vị thần rắn Quetzalcoatl trong thần thoại Aztec. Hiện nay có hai loài Quetzalcoatlus đã được định danh. Hóa thạch của loài đầu tiên được phát hiện năm 1971 bởi Douglas A. Lawson ở hệ tầng Javelina thuộc công viên quốc gia Big Bend, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ và được đặt tên là Quetzalcoatlus northropi nhằm vinh danh John Knudsen Northrop, người sáng lập hãng phi cơ Northrop.

Đến giai đoạn 1972 – 1974, Lawson và Giáo sư Wann Langston Jr. tiếp tục phát hiện được các hóa thạch cách đó khoảng 40 km. Ban đầu đây được cho là hóa thạch của một cá thể nhỏ hơn cùng loài, tuy nhiên, sau khi khai quật thêm được nhiều mẫu vật cho thấy đây có thể là một loài khác. Dù vậy, các nhà nghiên cứu vẫn chưa đủ chắc chắn để đặt cho nó một tên loài riêng nên vẫn tạm gọi là Quetzalcoatlus sp.

Các nhà khoa học ước tính Quetzalcoatlus northropi có sải cánh vào khoảng 10 – 11 m với cân nặng 200 – 250 kg. Khi đứng trên mặt đất, Quetzalcoatlus northropi có thể cao bằng một con hươu cao cổ (hơn 5 m). Loài Quetzalcoatlus sp có kích thước chỉ bằng khoảng phân nửa, với sải cánh chỉ khoảng 5,5 m. Tuy nhiên, các hóa thạch của Quetzalcoatlus sp lại hoàn chỉnh hơn nên người ta thường dựa vào đó để tái tạo hình ảnh của người họ hàng Quetzalcoatlus northropi của nó.

So sánh kích thước của Quetzalcoatlus và hươu cao cổ (tác giả Mark Witton)

Có nhiều ý kiến khác nhau về chế độ ăn của Quetzalcoatlus. Do vị trí phát hiện hóa thạch cách bờ biển đến 400 km và không có vết tích của sông hay hồ gần đó vào cuối kỷ Creta, nên Lawson không cho rằng đây là loài ăn cá mà ăn xác thối, giống như loài cò marabou.

Tuy nhiên, giả thuyết về tập tính ăn xác của Quetzalcoatlus sau đó bị bác bỏ khi cấu tạo mỏ của chúng khác với các loài chim ăn xác hiện đại. Thay vào đó, với cổ và mỏ dài, loài thằn lằn bay này có thể dùng mỏ để bắt cá trong khi đang lượn trên mặt nước giống như chim xúc cá. Giả thuyết này được chấp nhận rộng rãi cho đến năm 2007 khi một nghiên cứu cho thấy phương pháp săn mồi này khó phù hợp với một sinh vật bay khổng lồ như Quetzalcoatlus do đòi hỏi một mức năng lượng quá cao.

Năm 2008, hai nhà nghiên cứu về thằn lằn bay Mark Witton và Darren Naish cho rằng các azhdarchid là những kẻ săn mồi trên cạn, tương tự loài cò ngày nay, và có khả năng nuốt chửng mọi con mồi vừa với miệng không có răng của chúng, bao gồm cả các loài khủng long nhỏ. Trong chuỗi thức ăn, Quetzalcoatlus đóng vai trò những kẻ săn mồi ở bậc giữa, xếp dưới những loài ăn thịt khổng lồ như T. rex nhưng đứng trên các loại raptor.

Quetzalcoatlus săn khủng long Alamosaurus
Quetzalcoatlus săn Alamosaurus (tác giả Peter Minister)

Nỗi kinh hoàng đến từ bầu trời

Quetzalcoatlus là những tay bay lượn cừ khôi. Giống như các loài thằn lằn bay khác, chúng cất cánh bằng cách sức bật của cả bốn chi để phóng lên. Con vật khổng lồ này dù có các chi khá nhỏ khi so với cơ thể nhưng đầy cơ bắp, nên chỉ cần một cú phóng đã dễ dàng vọt lên khỏi mặt đất. Cấu tạo của đôi cánh bao gồm rất nhiều sợi cơ gọi là actinofibril và hoạt động giống như đôi cánh của tàu lượn. Chúng có thể đạt vận tốc đến 130 km/giờ ở độ cao 4600 m và bay liên tục không ngừng nghỉ 13000 – 19000 km.

Giống như các loài thằn lằn bay khác, Quetzalcoatlus là loài máu nóng và sở hữu một cơ chế chuyển hóa đặc biệt để cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống của chúng.

Leave a Reply