Tarbosaurus – bạo chúa miền Viễn Đông

Khủng long Tarbosaurus bataar
Phục dựng hình ảnh Tarbosaurus bataar (tác giả: Mohamad Haghani)
Khủng long Tarbosaurus ăn thịt khủng long Deinocheirus
Tarbosaurus săn khủng long Deinocheirus (tác giả: Damir G. Martin)

Nguồn gốc

Vào năm 1946, một đoàn thám hiểm gồm các nhà khoa học Xô Viết và Mông Cổ đã tìm được một phần hộp sọ và vài đốt sống của một loài khủng long ở hệ tầng Nemegt trong sa mạc Gobi thuộc miền nam Mông Cổ. Các mẫu vật này giống loài khủng long nổi tiếng Tyrannosaurus rex (T. rex) đến mức người ta cho rằng đây là một loài cùng chi và được Evgeny Maleev đặt tên là Tyrannosaurus bataar năm 1955.

Kể từ đó đến nay đã tìm thấy hóa thạch của khoảng 30 cá thể thuộc loài này, trong đó có ít nhất 5 hộp sọ. Do có số lượng mẫu vật phong phú nên các nhà khoa học có điều kiện nghiên cứu sâu hơn về giải phẫu. Cuối cùng, họ nhận thấy rằng đây là một chi hoàn toàn tách biệt với Tyrannosaurus và bắt đầu gọi nó bằng cái tên phổ biến đến ngày nay là Tarbosaurus bataar (“Tarbosaurus” nghĩa là “thằn lằn khủng khiếp”, còn “bataar” là do viết sai từ “baatar”, nghĩa là “anh hùng” trong tiếng Mông Cổ).

Phân loại

Tarbosaurus là một thành viên của phân họ Tyrannosaurinae thuộc họ Tyrannosauridae, có quan hệ rất gần với khủng long huyền thoại Tyrannosaurus rex (T. rex). Do xuất hiện trước (từ 68 – 72 triệu năm trước) nên có thể đây là một trong các tổ tiên của T. rex. Tarbosaurus đã tiến hóa thành T. rex khi một vài cá thể vượt qua Siberia để vào Bắc Mỹ.

Đặc điểm của Tarbosaurus

Mặc dù nhỏ hơn T. rex nhưng Tarbosaurus vẫn là một trong những loài lớn nhất trong họ tyrannosauridae. Cá thể lớn nhất từng được khai quật có chiều dài 10 – 12 m. Cân nặng của con trưởng thành vào khoảng 4 – 5 tấn.

Tarbosaurus có hình dạng tương đương đa số các loài tyrannosauridae khác. Ngoại trừ xương cổ hình chữ S, các phần còn lại của cột sống kể cả đuôi, đều nằm ngang. Tarbosaurus có hai chi trước rất nhỏ. Kích thước chi trước trên toàn bộ cơ thể vào loại bé nhất trong tất cả các loài trong họ. Mỗi chi trước có hai ngón tay kèm móng vuốt, một số cá thể có thêm ngón thứ ba không có vuốt.

Các chi sau của Tarbo rất khỏe với ba ngón mỗi bên, giúp chúng đứng được trên hai chân. Cái đuôi dài và nặng giúp giữ thăng bằng với đầu và thân với trọng tâm nằm ở phần hông.

Giống như người họ hàng T. rex, Tarbosaurus có một cái đầu rất lớn cùng bộ hàm cực khỏe. Hộp sọ Tarbosaurus dài hơn 1,3 m, lớn nhất trong họ tyrannosauridae, hơn cả cả T. rex. Tuy nhiên, hộp sọ của chúng tương đối nhẹ do có nhiều xương rỗng với các túi khí bên trong, giống như ở các xương chi và đốt sống. So với T. rex, Tarbosaurus có hộp sọ dài và hẹp hơn, nhất là ở phần sau. Điều này cho thấy mắt của Tarbosaurus không hướng về phía trước giống như T. rex. Khác biệt về đường dẫn truyền thần kinh trong hộp sọ cũng cho thấy chúng không cùng chi.

Tarbosaurus có từ 58 – 64 răng, nhiều hơn T. rex nhưng ít hơn các loài cùng họ Gorgosaurus và Alioramus. Đa số răng có mặt cắt hình oval trong khi răng trước hàm có mặt cắt hình chữ D. Tarbosaurus có lực cắn vào khoảng 35500 – 44500 N, có thể dễ dàng nghiền nát xương con mồi.

Tập tính của Tarbosaurus

Tarbosaurus thường sống ở những khu vực đầm lầy ẩm ướt gần các con sông. Chúng là động vật ăn thịt đứng đầu chuỗi thức ăn, với con mồi ưa thích như Saurolophus hoặc Nemegtosaurus. Tuy nhiên, không phải cuộc đi săn nào cũng diễn ra thuận lợi, nhất là khi phải chạm trán một con mồi vô cùng khó chịu là Therizinosaurus.

tarbosaurus and alioramus
Tarosaurus bataar và Alioramus Altai (tác giả Raph Lomotan)

Một số giả thuyết cũng cho rằng Tarbosaurus có thể là loài ăn xác giống như các tyrannosauridae khác. Nghiên cứu hóa thạch của 10 cá thể cho thấy có một trường hợp bị gãy mỏi xương bàn tay. Đây là hệ quả của việc lặp đi lặp lại một kiểu chấn thương, ở chi trước nhiều khả năng là do thường xuyên vật lộn với con mồi. Bằng chứng này cho thấy có khả năng đây là loài có tập tính săn mồi hơn là ăn xác.

Mặc dù các tranh cãi xung quanh vấn đề này vẫn chưa chấm dứt nhưng không thể phủ nhận Tarbosaurus xứng đáng là loài khủng long ăn thịt thống trị khu vực châu Á. Tarbosaurus được biết đến rộng rãi sau khi xuất hiện trên màn ảnh rộng trong một bộ phim của Hàn Quốc nói về cuộc đời của một chú khủng long tên là Spekles.

One Response

  1. Mark 13 Tháng chín, 2022

Leave a Reply