Top 8 thương long Mosasaur lớn nhất từng tồn tại

mosasaur
Mosasaur là những kẻ thống trị tàn bạo các đại dương Kỷ Creta (Nguồn: dotted zebra / Alamy Stock Photo)

Mosasaur hay thương long là tên gọi chung cho các chi bò sát biển thuộc họ Mosasauridae tồn tại vào giai đoạn cuối Kỷ Creta. Các mosasaur không phải là khủng long, mà chúng thuộc bộ Bò sát có vảy (Squamata), với các đại diện còn tồn tại đến tận ngày nay như rồng Komodo hay quái vật Gila và các loài rắn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa rõ các mosasaur có quan hệ gần hơn với phân bộ Rắn hay các loài kỳ đà kể trên.

gila monster
Quái vật gila – loài bò sát có họ hàng với các mosasaur còn tồn tại đến ngày nay (Nguồn: CritterZone)

Khởi nguồn từ các loài bò sát kích thước nhỏ với lối sống lưỡng cư được gọi là aigialosaur, các mosasaur đã tiến hóa vô cùng nhanh chóng để vươn lên thay thế các ichthyosaur pliosaur, trở thành kẻ thống trị các đại dương của thế giới tiền sử trong vòng 25 triệu năm cuối Kỷ Creta cho đến khi biến mất hoàn toàn sau Đại tuyệt chủng Creta – Paleogen.

Một đặc điểm đáng chú ý của các mosasaur là các nghiên cứu gần đây cho thấy các loài bò sát biển này là động vật nội nhiệt (hay máu nóng), trái ngược với phần lớn các thành viên của bộ Squamata. Hình thức điều nhiệt này gần giống với các loài chim biển và các mosasaur có thể tự điều chỉnh thân nhiệt của chúng cao hơn so với môi trường nước biển.

Tương tự nhiều loài bò sát biển khác, các mosasaur không thể hô hấp trong nước mà phải ngoi lên bề mặt để lấy không khí. Gần như tất cả các mosasaur đều sở hữu cho mình một cái đuôi cực khỏe được cấu tạo từ rất nhiều các đốt sống. Đây là phương tiện chính giúp chúng di chuyển trong nước, trong khi các vây chèo chỉ giúp con vật bẻ lái. Trước đây, các mosasaur được xem là loài đẻ con cho đến khi một vỏ trứng sinh vật biển khổng lồ được phát hiện tại Nam cực được cho là của loài bò sát này khiến giới khoa học phải cân nhắc lại về giả thuyết này.

Kể từ khi hóa thạch thương long đầu tiên được phát hiện năm 1764 trong một mỏ đá vôi ở Maastricht ven sông Meuse, đến nay đã một số lượng đồ sộ các mẫu vật thuộc về loài bò sát này được phát hiện ở gần như mọi châu lục trên thế giới. Đã có hơn 40 loài mosasaur được mô tả và đặt tên. Các mosasaur có kích thước vô cùng đa dạng, từ loài nhỏ nhất là Dallasaurus turneri không quá 1 m đến loài lớn nhất là Mosasaurus hoffmani có thể đạt chiều dài 17 m. Sau đây chúng ta cùng điểm qua các mosasaur có kích thước to lớn nhất từng được ghi nhận:

8. Plotosaurus

Chi mosasaur này ban đầu có tên là Kolposaurus nhưng sau đó được thay đổi thành Plotosaurus (“thằn lằn bơi lội”) để tránh trùng lặp với một chi bò sát chân chèo ở Kỷ Tam Điệp. Hiện nay chỉ xác định được một loài duy nhất trong chi này là P. bennisoni. Plotosaurus là thành viên của Tộc Mosasaurini, bao gồm những loài mosasaur có mức độ tiến hóa cao nhất.

Hình ảnh phục dựng Plotosaurus bennisoni (tác giả: Nobu Tamura)

So với các họ hàng mosasaur khác của mình, Plotosaurus mang nhiều đặc điểm tiến hóa hội tụ giống với các loài ngư long (Ichthyosaur) đã tồn tại trước đó hàng triệu năm chẳng hạn như có cơ thể hình thoi, vây chèo nhỏ trong khi vây đuôi lớn. Các đặc điểm này giúp Plotosaurus có khả năng thích nghi rất tốt với môi trường nước. Không ngạc nhiên khi đây là một trong những loài mosasaur có tốc độ bơi nhanh nhất bất chấp việc chúng sở hữu một cơ thể khổng lồ có thể dài đến 8 m.

Plotosaurus (tác giả: Dominik Hammelsbruch/ArtStation)

7. Kaikaifilu

Kaiakaifilu là một chi mosasaur thuộc phân họ Tylosaurine, tức là có quan hệ rất gần với một trong những chi mosasaur nổi tiếng nhất là Tylosaurus. Cái tên Kaikaifilu được đặt tên theo một vị thần biển có hình dạng bò sát trong thần thoại Mapuche.

Các hóa thạch của Kaikaifilu được các nhà khoa học Chile tìm thấy trên đảo Seymour thuộc châu Nam Cực vào năm 2011, bao gồm một phần hộp sọ kèm theo xương hàm, các mảnh xương vây cùng 30 chiếc răng với nhiều hình dạng khác nhau. Qua xác định niên đại cho thấy các hóa thạch này thuộc về cuối giai đoạn Maastrict, rất gần với thời điểm Đại tuyệt chủng Creta – Paleogene.

Tạo hình Kaikaifilu trong Prehistoric Planet (nguồn: Apple TV+)

Phần hộp sọ chưa hoàn chỉnh khai quật được của Kaikaifilu đã dài khoảng 0,7 m. Như vậy, kích thước của toàn bộ phần xương sọ của loài bò sát biển này phải lên đến 1,1 – 1,2 m, và từ đó có thể ước tính chiều dài toàn bộ cơ thể có thể hơn 10m. Với kích thước khổng lồ này, Kaikaifilu là một trong những loài mosasaur lớn nhất sinh sống ở Nam bán cầu từng được biết đến.

Một đặc điểm đáng chú ý của Kaikaifilu là chúng sở hữu một bộ răng với nhiều hình dạng khác nhau. Hiện chỉ có hai chi mosasaur hiếm hoi có sự đa hình về kiểu răng như vậy, là KaikaifiluEremiasaurus. Các nhà khoa học chưa thể lý giải được lý do tại sao hai chi này lại có cấu tạo bộ răng khác với các mosasaur còn lại. Khả năng cao là các loại răng này đảm nhận những nhiệm vụ khác nhau, qua đó cho thấy chế độ ăn của chi bò sát biển này tương đối phong phú.

6. Moanasaurus

Tương tự như Kaikaifilu, Moanasaurus cũng là một chi mosasaur tồn tại ở giai đoạn cuối Kỷ Creta ở Nam Bán cầu. Cái tên Moanasaurus (“thằn lằn biển” – ghép giữa moana “biển” và sauros “thằn lằn”) gợi nhớ đến nền văn hóa của các thổ dân Māori bởi vì các hóa thạch của chúng được phát hiện ở Đảo Bắc thuộc New Zealand, bao gồm một phần hộp sọ, xương sống, xương sườn và xương vây. Chỉ tính riêng kích thước hộp sọ đã dài khoảng 78 cm, qua đó tổng chiều dài cơ thể Moanasaurus có thể đến 12 m, trở thành một trong những chi thương long dài nhất trong phân họ Mosasaurinae.

5. Taniwhasaurus

Tiếp theo trong danh sách cũng là một chi mosasaur từng phân bố rộng rãi ở các vùng biển phương Nam. Taniwhasaurus là loài thằn lằn biển được đặt theo tên sinh vật biển trong thần thoại Māori. Đây là thành viên trong phân họ Tylosaurine, có quan hệ họ hàng gần gũi với Tylosaurus, cùng với HainosaurusKaikaifilu.

Mô hình bộ xương Taniwhasaurus antarcticus được trưng bày tại Field Museum of Natural History (Nguồn: fieldmuseum.org)

Hiện nay có 4 loài Taniwhasaurus đã được phát hiện T. oweni, T. capensis, T. antarcticus, T. mikasaensis cư trú ở các vùng biển thuộc New Zealand, Nam Phi, Nhật Bản và Nam Cực. Trong đó, loài điển hình và cũng được phát hiện sớm nhất là T. oweni vào nửa cuối thế kỷ XIX tại Mũi Haumuri ở Đảo Nam thuộc New Zealand.

Taniwhasaurus (tác giả: Dominik Hammelsbruch/ArtStation)

Một cá thể Taniwhasaurus trưởng thành có thể dài đến 12 m và sở hữu các đặc điểm tương tự với các họ hàng của chúng ở Bắc Mỹ và châu Âu là Tylosaurus. Trong đó việc thiếu các răng ở phần trước của xương hàm cho thấy chi mosasaur này cũng có phương thức tấn công con mồi bằng cách dùng mõm đâm trực diện vào đối phương giống với các Tylosaurus.

4. Hainosaurus

Loài mosasaur này được đặt tên theo sông Haine nằm ở miền Nam nước Bỉ, nơi một người công nhân đã tìm được các đốt sống hóa thạch của một loài sinh vật khổng lồ trong một mỏ phốt – pho gần thị trấn Mesvin. Phần còn lại của bộ xương tiếp tục được khai quật, sau đó, nhà khảo cổ Louis Dollo đã xác định đây là các hóa thạch thuộc về một thành viên của họ Mosasauridae và đặt tên cho sinh vật này là Hainosaurus bernadi.

Hainosaurus cũng là một thành viên trong phân họ Tylosaurine và có họ hàng rất gần gũi với chi Tylosaurus nổi tiếng. Thậm chí trong một bài báo vào năm 2016, Hainosaurus đã được xem là một loài trong chi Tylosaurus với tên gọi T. bernadi, và là chi chị em (có quan hệ gần gũi nhất) với T. proriger.

Giống như các họ hàng nổi tiếng của mình, Hainosaurus là một trong những kẻ săn mồi đáng sợ nhất của đại dương Kỷ Creta. Với chiều dài lên đến 12,2 m (trước đây ước tính khoảng 15 – 17 m), mọi loài động vật thủy sinh đều có thể trở thành con mồi của Hainosaurus, kể cả các loài mosasaur nhỏ hơn.

Hainosaurus (tác giả: Dominik Hammelsbruch/ArtStation)

3. Prognathodon

Các hóa thạch của Prognathodon được phát hiện khắp nơi trên thế giới, tập trung nhiều ở châu Âu và Bắc Mỹ. Chi Prognathodon là một trong những chi mosasaur có nhiều thành viên nhất, bao gồm P.‭ ‬curri, ‬P.‭ ‬giganteus,‭ ‬P.‭ ‬kianda,‭ ‬P.‭ ‬overtoni,‭ ‬P.‭ ‬rapax,‭ ‬P.‭ ‬saturator,‭ ‬P.‭ ‬solvayi,‭‭ ‬P.‭ ‬waiparaensis. Ngoài ra, còn nhiều loài trong chi này chưa được xác nhận hoặc đã được phân loại thành một chi khác. Tùy theo loài, kích thước của các bò sát biển khổng lồ này có thể dao động từ 6 – 14 m.

Điểm đặc trưng khiến các mosasaur này được gọi là Prognathodon (“răng hàm trước”) chính là bộ hàm cực mạnh cùng bộ răng có cấu tạo rất khác biệt so với các họ hàng của chúng. Prognathodon sở hữu lực cắn rất lớn (lực cắn của các chi mosasaur được đo bằng tỷ lệ giữa chiều dài hố trên thái dương và hộp sọ), ở các loài P. overtoniP. saturator là 0,22; trong khi ở Mosasaurus hoffmani chỉ là 0,19. Lực cắn khủng khiếp này được tạo ra không chỉ do cấu trúc hộp sọ khổng lồ mà còn ở các cơ hàm cực khỏe.

Prognathodon sở hữu bộ răng có cấu tạo rất đặc biệt, đủ khỏe để nghiền nát các con mồi đồng thời cũng có nhiều răng cưa để xé thịt. Từ đó đặt ra giả thuyết con mồi ưa thích của Prognathodon là các loài thủy sinh có vỏ cứng như rùa cổ đại hoặc cúc đá. Khi đó, bộ răng đặc biệt này sẽ đảm nhận nhiệm vụ phá vỡ các lớp bảo vệ của con mồi xấu số trước khi xé xác chúng.

Một điểm đặc trưng khác của các Prognathodon là cấu tạo đặc biệt của vòng xương quanh ổ mắt, giúp kẻ săn mồi khổng lồ này có thể thích nghi với áp lực khổng lồ của các tầng nước sâu khi lặn sâu để săn tìm các loài cúc đá.

Giả thuyết về chế độ ăn của loài bò sát biển này được củng cố bởi sự hiện diện của phần còn lại từ các sinh vật trong dạ dày của các hóa thạch Prognathodon. Việc lựa chọn các con mồi loại này cũng lý giải được tại sao Prognathodon có thể cùng tồn tại với các mosasaur họ hàng khổng lồ khác như Mosasaurus hay Tylosaurus, giống như cách các loài khủng long bạo chúa cùng tồn tại trên cạn nhờ chế độ ăn khác nhau.

prognathodon ate turtle
Thức ăn của Prognathodon là các loài sinh vật biển có vỏ cứng (nguồn: Science Photo Library/Alamy Stock Photo)

2. Tylosaurus

Tylosaurus là kẻ săn mồi tàn bạo khét tiếng bậc nhất trong họ Mosasauridae. Đặc điểm nổi bật nhất của loài bò sát biển này là chúng sở hữu cái mõm dài hơn so với các họ hàng khác, đây cùng là lý do nó được đặt tên là Tylosaurus (tạm dịch “thằn lằn mõm nhọn”), sau khi đã trải qua rất nhiều lần đổi tên. Các nghiên cứu gần đây cho thấy các Tylosaurus đã mang đặc điểm này từ khi còn nhỏ, chứ không phát triển theo sự trưởng thành.

Mặc dù cũng sở hữu kích thước không hề kém cạnh loài họ hàng nổi tiếng là Mosasaurus (chiều dài cơ thể hơn 14 m) nhưng Tylosaurus lại có thân hình thon gọn hơn. Đặc điểm này kết hợp với cái mõm nhọn giúp Tylosaurus giảm được đáng kể sức cản của nước. Ngoài ra, cái đuôi cực khỏe được cấu tạo từ hơn 80 đốt sống giúp con quái vật này xoay chuyển dễ dàng và bơi rất nhanh.

Qua phân tích của hóa thạch cho thấy ở phần trước xương hàm của các Tylosaurus có cấu tạo rất chắc chắn đồng thời có rất ít hoặc không có răng. Trên phần xương hàm này vẫn còn lưu lại rất nhiều dấu tích từ những cú va đập cực mạnh. Các chi tiết này tiết lộ một điều rằng vũ khí đáng sợ nhất của loài bò sát biển này không phải từ bộ hàm như các mosasaur khác mà đến từ chính cái mõm trứ danh của chúng.

Tylosaurus không chỉ dùng mõm để định vị con mồi mà còn sử dụng bộ phận để húc thẳng vào đối phương. Món vũ khí lợi hại này biến Tylosaurus thành một quả ngư lôi với sức công phá cực mạnh nặng 15 – 20 tấn và có thể lao đi trong nước với vận tốc hơn 60 km/giờ. Kẻ xấu số lãnh trọn cú húc của Tylosaurus nếu không chết ngay thì cũng bị thương nặng hoặc choáng váng trong một khoảng thời gian đủ để Tylosaurus quay lại và kết liễu số phận con mồi.

Phương thức tấn công này đặc biệt hiệu quả khi áp dụng cùng với chiến thuật săn mồi theo kiểu phục kích của Tylosaurus. Tình huống này thường diễn ra khi Tylosaurus tấn công con mồi đang ngoi lên mặt nước để hô hấp, khi đó các nạn nhân ít đề phòng và cũng dễ bị tổn thương nhất.

Tương tự như Mosasaurus, Tylosaurus là loài ăn thịt đầu bảng và mọi sinh vật sống trong tầm mắt đều có thể trở thành con mồi của chúng. Trong các hóa thạch Tylosaurus được phát hiện trên khắp Bắc Mỹ, chủ yếu ở Kansas, nơi xưa kia là vùng Biển nội địa phía Tây, các nhà khảo cổ đã tìm được phần còn lại của các loài cá lớn, bò sát biển, thậm chí cả thằn lằn bay, khủng long hay cả các mosasaur nhỏ hơn.

Cho đến nay, đã có 5 loài trong chi Tylosaurus được công nhận là T. nepaeolicus, T. proriger, T. bernardi, T. pembinensis T. saskatchewanensis. Trong đó, loài điển hình được phát hiện đầu tiên và cũng có kích thước lớn nhất là T. proriger.

tylosaurus
Tylosaurus pembinensis (tác giả: Vlad Konstantinov/ArtStation)

1. Mosasaurus

Mosasaurus là chi mosasaur đầu tiên được phát hiện, và cùng là chi đại diện cho cả họ bò sát biển khét tiếng này. Các thương long thuộc chi này luôn đứng trong top các loài sinh vật biển có kích thước to lớn nhất từng tồn tại. Trong đó, loài M. hoffmannii ước tính có thể dài đến 17 m. Các loài còn lại trong chi như M. missouriensis, M. bennisoni hay M. lemonnieri dù không to lớn bằng nhưng vẫn là những gã khổng lồ của đại dương tiền sử. Trong loạt phim Jurassic World, kích thước của Mosasaurus đã bị thổi phồng quá mức.

Hình ảnh phục dựng Mosasaurus hoffmani (tác giả: Maurizio Maurosan/ArtStation)

Lãnh địa của Mosasaurus là vùng biển mà ngày nay chúng ta gọi là Đại Tây Dương. Các hóa thạch của loài bò sát khổng lồ này được tìm thấy trên các châu lục bao quanh đại dương này bao gồm Bắc và Nam Mỹ, châu Âu, Tây Á, châu Phi và Nam cực.

So với nhiều chi mosasaur cùng kích thước, Mosasaurus có cấu trúc cơ thể vạm vỡ và nặng nề hơn, do đó những gã khổng lồ này không thể bơi quá nhanh và con mồi ưa thích của chúng chủ yếu là các loài thủy sinh hoặc sống gần mặt nước có tốc độ chậm, thường là các bò sát biển khác. Một điểm đáng chú ý khác là Mosasaurus có cặp mắt phân bố hai bên nên khả năng xác định khoảng cách đến con mồi rất kém – một đặc điểm không hiện diện ở các loài ăn thịt săn đuổi con mồi.

Mosasaurus là động vật săn mồi đầu bảng ở khu vực nơi chúng sinh sống. Gã khổng lồ này ăn gần như mọi sinh vật có thể phát hiện được, từ các loài cá, rùa, plesiosaur, các mosasaur nhỏ hơn hay cả các loài khủng long vô tình bơi vào lãnh địa của chúng. Trước đây, có giả thuyết cho rằng Mosasaurus là loài ăn thịt cơ hội, tuy nhiên các bằng chứng hóa thạch cho thấy loài bò sát biển này có vùng hành khứu (cơ quan thần kinh chi phối khứu giác) rất kém phát triển, do đó chúng không nhạy với mùi xác thối.

Thay vào đó, Mosasaurus là một kẻ săn mồi chủ động và bãi săn ưa thích của chúng là tầng nước mặt. Do có tốc độ không quá nhanh nên chiến thuật ưa thích của gã thợ săn khổng lồ này là phục kích. Lợi dụng vùng nước tối bên dưới để ngụy trang, Mosasaurus âm thầm tiếp cận con mồi khi chúng đang ngoi lên mặt nước để thở trước khi tăng tốc đột ngột và tung ra đòn kết liễu.

Mosasaurus cùng tồn tại với những mosasaur to lớn khác như TylosaurusPrognathodon tuy nhiên giữa các chi này không có quá nhiều sự cạnh tranh do lãnh địa và đối tượng con mồi của chúng ít chồng lấn với nhau. Tuy nhiên, đôi khi những cuộc đụng độ giữa các mosasaur khổng lồ này là điều không thể tránh khỏi.

Trận chiến của các Mosasaurus (tác giả: Mohamad Haghani)

Các nhà khoa học đã phát hiện được hóa thạch của một cá thể Mosasaurus chưa trưởng thành bị vỡ nát hộp sọ do một cú đâm trực diện với lực mạnh khủng khiếp, và kẻ có thể gây ra việc này chỉ có thể là loài Tylosaurus với cái mõm nhọn trứ danh của mình.

Không chỉ cạnh tranh với những các họ hàng khổng lồ của chúng, các Mosasaurus hiếu chiến còn có tập tính xung đột giữa những cá thể cùng loài, giống như hành vi của cá sấu ngày nay. Có rất nhiều bằng chứng hóa thạch cho thấy dấu tích của tổn thương từ các cuộc chiến như vậy, đặc biệt ở những cá thể nhỏ hoặc chưa trưởng thành, cho thấy hiện tượng các Mosasaurus lớn tấn công và ăn thịt các con nhỏ hơn rất phổ biến ở loài bò sát biển này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Harrell, T. L.; Pérez-Huerta, A.; Suarez, C. A.; Benson, R. (2016). “Endothermic mosasaurs? Possible thermoregulation of Late Cretaceous mosasaurs (Reptilia, Squamata) indicated by stable oxygen isotopes in fossil bioapatite in comparison with coeval marine fish and pelagic seabirds”. Palaeontology. 59 (3): 351–363. doi:10.1111/pala.12240

Legendre, L.J., Rubilar-Rogers, D., Musser, G.M. et al. (2020). “A giant soft-shelled egg from the Late Cretaceous of Antarctica.” Nature 583, 411–414 (2020). https://doi.org/10.1038/s41586-020-2377-7

Otero, R.A.; Soto-Acuña, S.; Rubilar-Rogers, D.; Gutstein, C.S. (2016). “Kaikaifilu hervei gen. et sp. nov., a new large mosasaur (Squamata, Mosasauridae) from the upper Maastrichtian of Antarctica”. Cretaceous Research. 70: 209–225. doi:10.1016/j.cretres.2016.11.002

J. Wiffen (1980) “Moanasaurus, a new genus of marine reptile (Family
Mosasauridae) from the Upper Cretaceous of North Island, New Zealand”. New Zealand Journal of
Geology and Geophysics
, 23:4, 507-528, DOI: 10.1080/00288306.1980.10424122

Leave a Reply