Tyrannosauroidea: điểm danh 13 chi khủng long bạo chúa ở châu Á

Tyrannosauroidea hay Liên họ Khủng long Bạo chúa là một tập hợp gồm nhiều họ theropod ăn thịt có quan hệ gần gũi với loài khủng long nổi tiếng Tyrannosaurus rex. Các tyrannosauroid đầu tiên đã xuất hiện vào Kỷ Jura, trước khi Tyrannosaurus rex và các họ hàng trở thành những kẻ thống trị Bắc Bán cầu hơn 100 triệu năm.

Trước thập niên 1990, các tyrannosauroid vẫn được xem là có quan hệ gần gũi với các khủng long allosauroid dựa vào kích thước hộp sọ khổng lồ và được cùng được xếp vào liên họ Carnosauria. Tuy nhiên, vào năm 1996, nhiều nghiên cứu cho thấy thực chất tyrannosauroid có nhiều đặc điểm tương đồng với các loài chim hiện đại như đà điểu, do đó các khủng long bạo chúa được cho là một nhánh đã tách ra khỏi họ khủng long Coelurosauria từ rất sớm. Thực chất đây không phải là ý tưởng mới khi nhiều nhà khảo cổ đã đưa ra giả thuyết này vào những năm 1920 trước khi bị bác bỏ.

tyrannosauroidea phylogenic cladogram
Vị trí của liên họ Tyrannosauroidea trong cây tiến hóa của khủng long

Các tyrannosauroid sống và cuối Kỷ Jura và đầu Kỷ Creta thường có kích thước nhỏ và chỉ là loài săn mồi thứ cấp núp bóng những kẻ thống trị khi đó là các khủng long megalosauroid allosauroid. Tuy nhiên, một sự kiện tuyệt chủng vào thời điểm 95 triệu năm trước đã xóa số những loài này và các tyrannosauroid bắt đầu phát triển về kích thước và vươn lên thành kẻ thống trị cho đến cuối thời đại khủng long.

Các thành viên của liên họ Tyrannosauroidea đã được phát hiện ở rất nhiều nơi trên khắp các vùng đất tách ra từ siêu lục địa Laurasia, đặc biệt là Bắc Mỹ. Trái ngược với các liên họ khác như allosauroid hay spinosaurid, các tyrannosauroid có số lượng hóa thạch rất lớn và tương đối hoàn chỉnh giúp cung cấp một cái nhìn khá toàn diện về cấu trúc giải phẫu và tập tính cũng như môi trường sống của các loài này.

Từ nửa cuối thế kỷ XX trở đi, đặc biệt là giai đoạn đầu thế kỷ XXI, có rất nhiều hóa thạch của các chi khủng long Tyrannosauroidea liên tục được phát hiện ở châu Á, đóng góp rất nhiều thông tin quan trọng góp phần viết lại lịch sử tiến hóa của các khủng long bạo chúa. Trong đó đáng chú ý nhất là giả thuyết vùng đất này chính là cái nôi của các khủng long bạo chúa, trước khi chúng di cư sang Bắc Mỹ, trong đó có các tổ tiên trực hệ của Tyrannosaurus rex.

Vì vậy, châu Á, đặc biệt là Trung Quốc với hệ cổ sinh thái rất đa dạng luôn được xem là một vùng đất vô cùng quan trọng đối với các nhà nghiên cứu về liên họ Tyrannosauroidea nói riêng và cổ sinh vật nói chung. Hãy cùng điểm lại các loài khủng long bạo chúa đã từng được phát hiện ở đây:

1. Kileskus

Kileskus aristotocus (tác giả: cisiopurple/Deviant Art)

Hóa thạch của Kileskus aristotocus được phát hiện nằm rải rác trong mỏ đá Berezovsk ở phía Nam Krasnoyarsk, Tây Siberia. Khu vực này thuộc Hệ tầng Itat có niên đại từ giai đoạn Bathon giữa Kỷ Jura, cách đây 167 triệu năm. Do đó, Kileskus không chỉ là tyrannosauroid cổ xưa nhất (cùng với Proceratosaurus) từng được biết đến mà còn là một trong những chi khủng long biệt hóa từ các coelurosaur sớm nhất. Kileskus nghĩa là “thằn lắn” trong tiếng Khakas (một dân tộc ở Siberia) và aristotocus (“nguồn gốc cao quý” theo tiếng Hy Lạp) gợi nhớ đến nguồn gốc từ các coelurosaur của chúng.

Kileskus có một cái mào hợp thành bởi các xương mũi, do đó chúng được xếp vào họ Proceratosauridae, một họ khủng long đã tách ra từ rất sớm trong quá trình tiến hóa của các coelurosaur thành các khủng long bạo chúa. Khi so sánh với các thành viên trong họ, Kileskus có hình thái sơ khai hơn Guanlong và thậm chí là cả Proceratosaurus. Chi tiết này ủng hộ giả thuyết rất có thể các protoceratosaurid có nguồn gốc từ châu Á.

2. Guanlong

Guanlong wucaii (tác giả: cisiopurple/Deviant Art)

Năm 2002, các giáo sư Từ Tinh (Xu Xing) thuộc Viện Cổ sinh Động vật có xương sống và Cổ nhân loại học Trung Quốc và James M. Clark của Đại học George Washington trong một chuyến khảo sát tại vịnh Ngũ Thái thuộc bồn địa Junggar, Tân Cương đã khai quật được hai bộ hóa thạch của một chi khủng long tyrannosauroid chưa từng được biết đến trước đó. Vào thời điểm đó thì đây là các hóa thạch Tyrannosauroidea được bảo quản tốt nhất từng được khai quật.

Loài khủng long mới được đặt tênGuanlong wucaii (Quan Long Ngũ Thái) với đặc trưng là phần xương mũi hợp thành một cái mào ngay trên mõm. Có khả năng cái mào này đóng vai trò như một vật biểu trưng cho con vật thay vì một món vũ khí. Dựa vào đặc điểm này, Guanlong được xem là một thành viên của họ Proceratosauridae, cùng với Yutyrannus hay Kileskus… So với các thành viên khác của liên họ Tyrannosauroidea, Guanlong có kích thước khá nhỏ bé, chỉ lớn hơn Dilong một chút.

Guanlong sinh sống trong những khu rừng lá kim và dương xỉ khổng lồ cuối Kỷ Jura, săn các loài khủng long nhỏ hơn hay động vật có vú… Không như các hậu duệ về sau đứng trên đỉnh chuỗi thức ăn, Guanlong cũng phải lẩn trốn để không trở thành bữa ăn cho các loài khủng long ăn thịt lớn hơn như Yangchuanosaurus hay Monolophosaurus.

KHÁM PHÁ THÊM CÁC BÍ ẨN VỀ GUANLONG

3. Dilong

Dilong paradoxus (tác giả: cisiopurple/Deviant Art)

Bộ hóa thạch tương đối hoàn chỉnh của Dilong (Đế Long – “Vua rồng”) với loài duy nhất là D. paradoxus được phát hiện tại Hệ tầng Nghĩa Huyện, Cẩm Châu, Bắc Phiếu, Liêu Ninh, Trung Quốc. Loài duy nhất là Dilong paradoxus được mô tả bởi giáo sư Từ Tinh và các cộng sự năm 2004.

Hộp sọ hóa thạch của Dilong (nguồn: Xu et al 2004)

Một cá thể Dilong trưởng thành chỉ dài khoảng 1,6 m và nặng 5 kg, khá nhỏ bé so với các tyrannosauroid. Tuy nhiên, Dilong sở hữu nhiều đặc điểm giống giống với các chi khủng long bạo chúa sau này như cấu trúc hộp sọ và bộ răng, do đó chúng được xem là một thành viên của liên họ Tyrannosauroidea. Dilong cũng từng được xếp vào họ Proceratosauridae, nhưng nghiên cứu năm 2016 của Brusatte và cộng sự cho thấy chúng là một hình thái tiến hóa cao hơn các khủng long trong họ này.

Dilong săn mồi (nguồn: fossilshk)

Một điểm đáng chú ý là Dilong là loài khủng long đầu tiên trong liên họ Tyrannosauroidea được phát hiện có lông vũ. Loại lông này tất nhiên không phải giống như loại chúng ta thường thấy ở các loài chim hiện đại mà sơ khai hơn và được gọi là protofeather. Giống như nhiều loài khủng long phi điểu (non – avian dinosaur) khác, bộ lông chỉ có chức năng điều hòa nhiệt độ hoặc trang trí chứ không giúp con vật bay được.

Các dấu ấn hóa thạch của lông vũ dọc theo các đốt sống đuôi của Dilong (nguồn: Xu et al 2004)

4. Yutyrannus

Yutyrannus
Yutyrannus huali (tác giả: cisiopurple/Deviant Art)

Năm 2012, ba bộ hóa thạch hoàn chỉnh của một chủng loài Tyrannosauroidea mới được mua lại từ một tay buôn lậu hóa thạch. Theo người này cho biết, cả ba được phát hiện trong một mỏ đá ở Bắc Phiếu, Triều Dương thuộc tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc. Loài khủng long mới này sau đó được giáo sư Từ Tinh thuộc Viện Cổ sinh Động vật có xương sống và Cổ nhân loại học Trung Quốc mô tả và đặt tên là Yutyrannus huali.

Yutyrannus huali là một thành viên của phân họ Proceratosauridae, do đó vẫn còn mang đặc điểm của các khủng long bạo chúa sơ khai, chẳng hạn như có ba ngón ở chi trước hay bàn chân có cấu tạo kiểu arctometatarsalian. Một đặc điểm quan trọng khiến Yutyrannus trở nên nổi tiếng là đây là loài tyrannosauroid có kích thước lớn nhất có lông vũ bao phủ. Bộ lông này có thể đóng vai trò điều hòa nhiệt độ giúp con vật chống lại khí hậu khắc nghiệt nơi chúng sống hoặc đóng vai trò biểu trưng cho con vật.

TÌM HIỂU THÊM VỀ LOÀI KHỦNG LONG BẠO CHÚA LỚN NHẤT CÓ LÔNG VŨ

5. Sinotyrannus

Sinotyrannus kazuoensis (tác giả: cisiopurple/Deviant Art)

Sinotyrannus cũng được phát hiện tại tỉnh Liêu Ninh, nhưng thuộc về Hệ tầng Jiufotang có niên đại từ đầu Kỷ Creta. Loài tyrannosauroid này có quan hệ rất gần gũi với Yutyrannus và cả hai đều là thành viên của phân họ Proceratosauridae.

Sinotyrannus có thể có chiều dài đạt từ 7,5 – 10 m, lớn hơn rất nhiều so với các protoceratosaurid nói riêng và các tyrannosauroid sống từ cuối Kỷ Jura đến đầu Kỷ Creta nói chung. Mặc dù đạt đến kích thước của các khủng long bạo chúa cuối Kỷ Creta tuy nhiên Sinotyrannus vẫn mang nhiều điểm khác biệt do họ Protoceratosauridae đã phân hóa từ rất sớm.

Sự phát hiện Sinotyrannus có ba ý nghĩa quan trọng:

  1. Sinotyrannus là một trong những chi tyrannosauroid xuất hiện từ rất sớm, qua đó ủng hộ giả thuyết các khủng long bạo chúa có nguồn gốc từ châu Á, trước khi chúng di cư sang Bắc Mỹ.
  2. Sinotyrannus là chi tyrannosauroid có kích thước lớn nhất trong số các khủng long bạo chúa sống vào cuối Kỷ Jura hoặc đầu Kỷ Creta, do đó có khả năng xu hướng phát triển về kích thước của những loài khủng long ăn thịt đã xuất hiện vào thời điểm này.
  3. Sinotyrannus theropod lớn nhất của Hệ tầng Jehol Biota ở phía Tây Liêu Ninh và vùng lân cận, qua đó có thể hiểu rõ thêm về hệ sinh thái cổ ở khu vực này.

6. Xiongguanlong

Xiongguanlong baimoensis (tác giả: cisiopurple/Deviant Art)

Xiongguanlong baimosis (Hùng Quan Long Bạch Ma) được đặt tên theo thành phố Gia Dục Quan thuộc tỉnh Cam Túc, gần nơi phát hiện ra các hóa thạch của loài khủng long này. Nơi đây có địa danh nổi tiếng Gia Dục quan – một trong những công trình phòng thủ quan trọng nhất của Vạn Lý Trường Thành với danh xưng “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, được xây dựng vào đời Minh để đề phòng những cuộc đột kích từ phía Tây.

Bộ hóa thạch gồm một hộp sọ tương đối hoàn chỉnh chỉ thiếu hàm dưới cùng các đốt sống lưng, một phần xương chậu và xương đùi phải được tìm thấy trong một tảng nê nham có niên đại từ đầu Kỷ Creta (khoảng 100 – 113 triệu năm trước) tại một khu vực có cấu trúc địa chất độc đáo được mệnh danh là Bạch Ma Thành (White Ghost Castle) thuộc bồn địa Dũ Tỉnh Tử, tỉnh Cam Túc. Vì vậy Xiongguanlong có tên loài là baimosis, hay “bạch ma” trong tiếng Quan Thoại.

Phục dựng hình ảnh Xiongguanlong (tác giả: atrox1/Deviant Art)

Xiongguanlong nằm ở giữa trong cây tiến hóa của các tyrannosauroid, có hình thái phát triển hơn các khủng long bạo chúa thuộc thế hệ trước như Dilong và Eotyrannus. Một cá thể Xiongguanlong trưởng thành có thể dài 5 m và chỉ nặng khoảng 270 kg. Ở Xiongguanlong có thể nhận thấy một đặc điểm đã biến các khủng long bạo chúa thế hệ sau thành các cỗ máy giết chóc như hộp sọ rỗng có điểm bám rộng cho các cơ hàm cực khỏe, chi trước thoái hóa và có các đốt sống cổ đủ chắc chắn để nâng đỡ hộp sọ kích thước lớn.

Đặc trưng của Xiongguanlong là có một cái mõm dài và hẹp tương tự các Alioramus, chỉ riêng phần mõm đã chiếm 2/3 chiều dài hộp sọ. Tuy nhiên, Xionggguanlong không được xếp vào cùng phân họ Alioramini với hai loài AlioramusQianzhousaurus. Xiongguanlong không có lực cắn mạnh như các hậu duệ sống ở cuối Kỷ Creta nên thường chỉ săn các con mồi có kích thước nhỏ hơn.

7. Timurlengia

Timurlengia euotica (tác giả: cisiopurple/Deviant Art)

Các chi khủng long bạo chúa là những kẻ thống trị từ châu Á đến Bắc Mỹ trong giai đoạn cuối Kỷ Creta (66 – 80 triệu năm trước). Kích thước khổng lồ cùng giác quan nhạy bén là những yếu tố giúp những kẻ ăn thịt đáng sợ này ngự trị trên đỉnh chuỗi thức ăn. Tuy nhiên, bằng cách nào mà những gã khổng lồ này đã tiến hóa từ những khủng long bé nhỏ sống vào giữa Kỷ Jura vẫn chưa được làm rõ cho đến khi hóa thạch của một loài tyrannosauroid được phát hiện tại Uzbekistan trong giai đoạn 1997 – 2006.

Hóa thạch của loài tyrannosauroid mới này được tìm thấy giữa hoang mạc Kyzylkum thuộc Navoi Viloyat, Uzbekistan. Đây là khu vực xưa kia thuộc Hệ tầng Bissekty có niên đại từ giai đoạn Turon, Tiền Creta. Đây được xem là một phát hiện vô cùng quan trọng vì lấp đầy khoảng trống 20 triệu năm còn thiếu trong lịch sử tiến hóa của các khủng long bạo chúa.

Loài tyrannosauroid mới này được Brusatte và cộng sự đặt theo tên của đại đế Thiếp Mộc Nhi (Tamerlane hay Timur Leng), người sáng lập nên vương triều Timurid trải dài khắp Trung Á. Timurlengia sống cách đây 90 – 92 triệu năm trước và có kích thước bằng một con ngựa nhỏ, do đó đây hoàn toàn không phải là sinh vật ăn thịt đầu bảng trong thời kỳ thống trị của các allosaurid.

Kết quả chụp CT scan cho thấy loài khủng long này có hộp sọ khá lớn đồng thời có có ống tai trong khá dài, có thể nghe được các sóng hạ âm. Đây cũng là lý do chúng được gọi là euotica (“tai thính”). Các đặc điểm này đưa đến giả thuyết các loài tyrannosauroid sơ khai đã phát triển về mặt trí tuệ và giác quan trước khi đạt đến kích thước khổng lồ sau này. Đây cũng là chìa khóa giúp những tyrannosauroid nhỏ bé tồn tại dưới bóng những kẻ ăn thịt khổng lồ trước khi đạt đến đỉnh cao như sau này.

8. Jinbeisaurus

Jinbeisaurus wangi (tác giả: cisiopurple/Deviant Art)

Tên của loài khủng long này không có liên quan gì đến nhân vật Jinbei trong manga One Piece nổi tiếng mà được đặt theo vùng đất nơi phát hiện ra các hóa thạch của nó là phía Bắc tỉnh Sơn Tây, Jinbeisaurus (“thằn lằn Bắc Tấn” – Tấn là tên cũ của tỉnh Sơn Tây).

Giống như Xiongguanlong, Timurlengia hay các họ hàng ở Bắc Mỹ (Dryptosaurus, ApplachiosaurusBistahieversor), Jinbeisaurus cũng là một tyrannosauroid ở vị trí trung gian trong cây tiến hóa của liên họ Tyrannosauroidea.

Các hóa thạch của Jinbeisaurus được khai quật bởi Bảo tàng Khoa học và Công nghệ Địa chất Khoáng sản tỉnh Sơn Tây năm 2008 tại Hệ tầng Huiquanpu (có nguồn gốc từ giai đoạn Tiền Creta) – một khu vực rộng 150 km vuông nằm ở vùng giáp ranh giữa huyện Thiên Trấn thuộc tỉnh Sơn Tây và huyện Dương Nguyên thuộc tỉnh Hồ Bắc. Dựa vào các bằng chứng hóa thạch có thể thấy là một tyrannosauroid có kích thước từ nhỏ đến trung bình và nhỏ hơn so với các khủng long bạo chúa thế hệ sau.

9. Alectrosaurus

Alectrosaurus olseni (tác giả: cisiopurple/Deviant Art)

Năm 1923, trong chuyến khảo sát lần thứ ba của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ đến bồn địa Iren Dabasu (thuộc khu tự trị Nội Mông hiện nay), một thành viên trong đoàn là George Olsen đã phát hiện ra hóa thạch của một theropod có niên đại từ cuối Kỷ Creta bao gồm xương chi sau bên phải và hai xương ngón tay. Vài ngày sau, Olsen tiếp tục phát hiện thêm nhiều hóa thạch theropod cách đó khoảng 30 m, được cho là thuộc cùng một cá thể với các mẫu vật trước đó.

Đến năm 1933, cả hai mẫu vật được mô tả và chính thức đặt tên bởi nhà khảo cổ Hoa Kỳ Charles Gilmore là Alectrosaurus (“thằn lằn cô độc”) và George Olsen được vinh danh bằng tên loài olseni. Gilmore cũng xếp Alectrosaurus vào họ Tyrannosauridae do có sự tương đồng về hình thái chi sau với các thành viên của họ này ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, cấu trúc của chi trước của Alectrosaurus rất khác biệt so với cái tyrannosaur từng được phát hiện trước đó khi dài và phát triển hơn đồng thời có vuốt ngón I khá lớn.

Alectrosaurus là một tyrannosaur có kích thước trung bình với chiều dài khoảng 5 – 6 m. Một đặc điểm đáng chú ý khác là Alectrosaurus có chiều dài xương đùi và xương chày xấp xỉ nhau, trong khi các khủng long bạo chúa khác đều có xương chày dài hơn. Ngoài ra, các xương ngón và cổ chân của Alectrosaurus cũng kéo dài hơn so với các khủng long cùng họ, giống với đặc điểm của các loài chim chạy bộ ngày nay (như đà điểu), do đó có khả năng Alectrosaurus là một loài tyrannosaur chạy khá nhanh và dùng tốc độ để bắt mồi.

10. Tarbosaurus

tarbosaurus
Tarbosaurus bataar (tác giả: cisiopurple/Deviant Art)

Tarbosaurus là loài tyrannosaur thứ hai được phát hiện ở châu Á (sau Alectrosaurus). Tarbosaurus sống ở vùng đất ngày nay là sa mạc Gobi. Tarbosaurus giống Tyrannosaurus rex đến mức ban đầu các nhà khoa học đã xem đây là một phân loài của chi Tyrannosaurus với tên gọi Tyrannosaurus bataar. Với việc phát hiện thêm nhiều hóa thạch sau đó, loài khủng long này được chính thức xem là một chi riêng biệt với tên gọi Tarbosaurus (“thằn lằn khủng khiếp”) bataar, nhưng đôi khi một số nơi vẫn giữ tên gọi Tyrannosaurus bataar.

Ngoài ra, T. bataar còn có một số danh pháp đồng nghĩa khác như Gorgosaurus novojilovi hay G. lancinator hay Maleevosaurus novojilovi hay Albertosaurus periculosus. Đây còn là một trong những loài khủng long có số lượng mẫu vật hóa thạch vô cùng phong phú, với khoảng 30 bộ hóa thạch của riêng loài này đã được khai quật, trong đó có khoảng 15 hộp sọ. Theo ước tính, các hóa thạch Tarbosaurus chiếm khoảng 1/4 số lượng hóa thạch phát hiện được ở Hệ tầng Nemegt.

Tarbosaurus được xếp vào phân nhóm Tyrannosaurinae thuộc họ Tyrannosauridae. Có thể nói đây là loài khủng long có quan hệ gần gũi nhất với Tyrannosaurus rex. GIống như người họ hàng nổi tiếng của mình, Tarbosaurus là kẻ thống trị khu vực châu Á giai đoạn Maastrict cuối Kỷ Creta. Cả hai loài khủng long giống nhau đến mức thậm chí nhiều nhà khảo cổ đã đặt ra giả thuyết rằng các Tarbosaurus đã di cư qua Alaska vào Bắc Mỹ sau đó tiến hóa thành Tyrannosaurus rex.

KHÁM PHÁ LOÀI KHỦNG LONG BẠO CHÚA TỪNG THỐNG TRỊ CHÂU Á

11. Zhuchengtyrannus

Zhuchengtyrannus
Zhuchengtyrannus magnus (tác giả: cisiopurple/Deviant Art)

Cho đến nay, các bằng chứng duy nhất về sự tồn tại của Zhuchengtyrannus magnus, bao gồm một phần xương hàm trên và một mảnh xương hàm dưới có kèm theo răng, có niên đại khoảng 73,5 triệu năm trước, được phát hiện trong một mỏ đá gần thành phố Chư Thành, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Khu vực này xưa kia vào Kỷ Creta từng là một đồng bằng châu thổ, hiện nay là một trong những nơi có mật độ hóa thạch cao nhất thế giới.

Rất khó để phân biệt Zhuchengtyrannus với chi khủng long họ hàng Tarbosaurus, cả hai đều thuộc phân họ Tyrannosaurinae, bao gồm những khủng long bạo chúa có quan hệ gần gũi với Tyrannosaurus rex. Giữa hai loài gần như không có khác biệt đáng kể, chỉ có một số đặc điểm trên hộp sọ chỉ có thể nhận ra bằng con mắt chuyên môn của các nhà khảo cổ.

Tương tự như Tarbosaurus, Zhuchengtyrannus là một trong những loài khủng long ăn thịt lớn nhất từng bước đi trên mặt đất. Một cá thể trưởng thành có thể dài từ 10 – 12 m và nặng đến 6 tấn. Mặc dù không to lớn bằng T. rex nhưng Zhuchengtyrannus cũng có kích thước xấp xỉ Tarbosaurus, thậm chí có phần nhỉnh hơn.

Mối quan hệ gần gũi của ZhuchengtyrannusTarbosaurus với Tyrannosaurus rex đã khiến các nhà khoa học đặt ra một giả thuyết rằng thực chất Tyrannosaurus rex là một loài ngoại lai đã di cư từ châu Á sang chứ không phải là một bạo chúa bản địa Bắc Mỹ như Daspletosaurus hay Lythronax.

12. Alioramus

Alioramus sp. (tác giả: cisiopurple/Deviant Art)

Alioramus là một chi khủng long tyrannosauroid sống vào cuối Kỷ Creta ở châu Á, bao gồm hai loài: A. remotusA. altai. Các hóa thạch của loài Alioramus đầu tiên, bao gồm một mảnh sọ và một số xương bàn chân được phát hiện bởi các nhà khảo cổ Soviet và Ba Lan trong sa mạc Gobi. Khu vực thuộc Hệ tầng Nemegt này có niên đại từ cuối Kỷ Creta (khoảng 70 triệu năm trước) cũng là quê hương của nhiều loài khủng long nổi tiếng khác như Tarbosaurus, Deinocheirus, Therizinosaurus

Loài khủng long bạo chúa này sau đó được Sergei Kurzanov gọi là Alioramus remotus (tạm dịch “phân nhánh tách biệt”) nhằm ám chỉ sự khác biệt với các họ hàng của nó ở Bắc Mỹ. Đến năm 2001, một bộ hóa thạch hoàn chỉnh hơn của loài Alioramus thứ hai cũng được phát hiện ở sa mạc Gobi và được Stephen L. Brusatte mô tả và đặt tên là Alioramus altai 8 năm sau đó.

Phục dựng hình ảnh Alioramus spp. (tác giả: Paulo Leite)

Các hóa thạch Alioramus được phát hiện đều là của các cá thể chưa trưởng thành nên rất khó xác định kích thước tối đa của chúng. Dựa vào các hóa thạch có thể ước tính chiều dài vào khoảng 6 m và nặng khoảng 500 kg. Alioramus có một bộ hàm dài và hẹp, có thể có đến 74 – 78 chiếc răng, nhiều hơn bất cứ tyrannosauroid nào khác. Một đặc trưng khác của chi này là một hàng gồm 5 chiếc sừng nhỏ mang tính biểu trưng cho từng cá thể nằm ngay trên mõm.

Hóa thạch xương hàm trên và hàm dưới của Alioramus altai (nguồn: Mick Ellison)

Sa mạc Gobi vào thời đại của Alioramus là một vùng đất vô cùng trù phú với các đồng bằng cùng hệ thống sông ngòi chằng chịt, xen kẽ với các khu rừng lá kim. Đây là môi trường lý tưởng cho các khủng long ăn thịt khi có số lượng con mồi rất phong phú bao gồm các loại cá, rùa, cá sấu, động vật có vú hay các loại khủng long khác.

Các Alioramus không sở hữu bộ hàm đủ khỏe có thể nhai nát xương con mồi như những loài khủng long bạo chúa lớn hơn. Bù lại, Aliosaurus có cấu tạo cơ thể tương đối nhẹ và rất linh hoạt. Alioramus phụ thuộc vào tốc độ và sự khéo léo để săn mồi, do đó không phải cạnh tranh thức ăn với gã họ hàng có kích thước gấp đôi sống cùng khu vực là Tarbosaurus. Con mồi của Alioramus thường là các động vật nhỏ chạy nhanh mà Tarbosaurus không thể bắt kịp.

Bầy Alioramus altai đang cướp con mồi của Tarbosaurus bataar (tác: Ralph Herrera Lomotan)

Cách hai loài khủng long bạo chúa, một to lớn và chậm chạp như Tarbosaurus, một nhỏ và nhanh hơn như Alioramus cùng tồn tại trong một khu vực cũng giống như cách các họ hàng của chúng ở Bắc Mỹ chia sẻ địa bàn, DaspletosaurusGorgosaurus hay Tyrannosaurus Albertosaurus.

13. Qianzhousaurus

Qianzhousaurus sinensis (tác giả: cisiopurple/Deviant Art)

Một hộp sọ gần hoàn chỉnh và các phần xương cổ, đốt sống lưng và đuôi của một loài theropod đã được các công nhân phát hiện trong một công trường gần Càn Châu, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc tại một khu vực có niên đại 66 – 72 triệu năm. Đáng chú ý là phần mõm của loài khủng long này khá dài (chiếm khoảng 70% chiều dài hộp sọ) và hẹp , tuy nhiên đây không phải là một spinosaurid mà được xác định là một thành viên mới của liên họ Tyrannosauroidea. Cái mõm này khiến Qianzhousaurus thường được gọi vui là “Pinocchio Rex”.

Do có tỷ lệ mõm/hộp sọ tương tự với hai loài Alioramus đã được định danh nên Qianzhousaurus sinensis – tên của loài khủng long mới được phát hiện được xếp vào phân họ Alioramini. Một điểm đáng lưu ý là các hóa thạch Alioramus đều là của cá thể chưa trưởng thành, nên các nhà khảo cổ không chắc là liệu kiểu hình mõm dài này có duy trì khi con vật trưởng thành hay không. Ngược lại, hóa thạch Qianzhousaurus là của một cá thể trưởng thành, qua đó chứng minh sự tồn tại của các chi tyrannosauroid mõm dài.

Hộp sọ Qianzhousaurus sinensis (nguồn: Junchang Lü et al)

Theo ước tính, Quianzhousaurus có thể dài đến 9 m. Mặc dù có phần mõm và bộ răng dài hơn nhưng Qianzhousaurus không có lực cắn mạnh như các loài tyrannosauroid khác. Bù lại, do có cấu trúc độc đáo như vậy nên các Qianzhousaurus không phải cạnh tranh về mặt thức ăn với các loài khủng long bạo chúa lớn hơn do nhắm đến các con mồi hoàn toàn khác nhau.

qianzhousaurus sinensis by Chuang Zhao
Một Qianzhousaurus đang đuổi theo khủng long Nankangia, con còn lại đang ăn thịt một con thằn lằn (tác giả: Zhao Chuang)

Mặc dù thân hình mảnh mai và cái mõm dài làm cho loài khủng long này không có vẻ ngoài đáng sợ bằng nhưng chúng vẫn nguy hiểm không kém các tyrannosauroid họ hàng, thậm chí có phần nhanh nhẹn, linh hoạt và thầm lặng hơn. Tốc độ là chìa khóa giúp Qianzhousaurus có thể săn đuổi các con mồi có khả năng chạy nhanh như các ornithopod, ornithomimidoviraptosaur – những loài khủng long vốn không phải đối tượng ưa thích của những kẻ săn mồi khổng lồ khác.

Leave a Reply