Carcharodontosaurus

Hình ảnh phục dựng Carcharodontosaurus saharicus (tác giả Fernando Usabiaga Bustos)

Những người yêu thích khủng long vẫn thường bị cuốn vào cuộc tranh cãi xem liệu Tyrannosaurus rex hay Spinosaurus aegypticus mới là loài khủng long ăn thịt đáng sợ nhất. Tuy nhiên, trên thực tế hai con quái vật này chưa bao giờ có cơ hội đọ sức với nhau do chúng không tồn tại cùng địa điểm (S. aegypticus sống ở Bắc Phi ngày nay trong khi T. rex thống trị khu vực Bắc Mỹ), thậm chí thời đại của chúng còn cách nhau hàng triệu năm.

Trong quá khứ, Spinosaurus đã từng đối mặt với một kẻ tử thù cũng nguy hiểm không kém, thậm chí có phần to lớn hơn cả Tyrannosaurus rex, đó chính là loài khủng long ăn thịt nguy hiểm bậc nhất của kỷ Creta từng sinh sống tại Bắc Phi: Carcharodontosaurus.

“Bạo chúa” Bắc Phi

Mặc dù được mệnh danh là “T. rex châu Phi” khiến nhiều người lầm tưởng hai loài là một trong suốt một thời gian dài, tuy nhiên, trên thực tế Carcharodontosaurus gần như không có quan hệ họ hàng với loài khủng long ăn thịt khét tiếng này, ngoại trừ điểm chung duy nhất là cả hai đều có chung nguồn gốc từ phân bộ theropoda. Carcharodontosaurus là hậu duệ của các khủng long allosaurid thuộc nhánh carnosauria trong khi T. rex được cho là tiến hóa từ các khủng long thuộc nhánh coelurosauria.

Carcharodontosaurus cũng là loài đại diện cho họ Carcharodontosauridae bao gồm các loại khủng long ăn thịt có kích thước khổng lồ khác như Giganotosaurus, Mapusaurus hay Tyrannotitan… Các họ hàng của Carcharodontosaurus từng tồn tại trên khắp thế giới với số lượng rất nhiều, bao gồm Acrocanthosaurus ở Bắc Mỹ, Neovenator ở Tây Âu và Shaochilong ở Trung Quốc. Tuy nhiên, các loài carcharodontosaurid đã biến mất vào cuối kỷ Creta, nhường chỗ cho sự thống trị của các bạo long ở phương Bắc và abelisaurid ở phía Nam.

Những bằng chứng đầu tiên về sự tồn tại của Carcharodontosaurus được tìm thấy năm 1924 khi hai nhà khảo cổ người Pháp Charles Depéret và Justin Savornin khai quật được một vài chiếc răng khổng lồ có nguồn gốc từ giai đoạn hậu Kỷ Creta tại Continental Intercalcaire của đất nước Algeria. Do các răng hóa thạch này rất giống với của loài khủng long đầu tiên được đặt tên – Megalosarus, nên họ đã gọi loài mới phát hiện là Megalosaurus saharicus.

Tuy nhiên, đến năm 1914, khi có thêm nhiều phần hóa thạch của loài này được nhà khảo cổ người Đức Ernst Stromer tìm thấy tại ốc đảo Bahariya, bao gồm một phần xương sọ cùng nhiều răng, móng vuốt, các mảnh xương chậu và xương chân, qua đó cho thấy chúng hoàn toàn khác biệt với loài Megalosaurus được phát hiện ở Anh. Do đó, năm 1931, ông đã đổi tên loài khủng long mới này là Carcharodontosaurus saharicus.

Năm 1995, Giáo sư Paul Sereno (người vốn rất nổi tiếng với việc phát hiện ra các loài khủng long như Suchomimus, Afrovenator, Deltadromeus… hay loài cá sấu khổng lồ Sarcosuchus imperator) đã tiến hành các cuộc thám hiểm đến Sahara vào năm 1995. Tại Địa tầng Kem Kem thuộc Morocco, gần vị trí nơi Deperet và Savornin đã tìm thấy các hóa thạch đầu tiên, Sereno và các cộng sự từ Đại học Chicago đã khai quật được hộp sọ gần hoàn chỉnh của một cá thể Carcharodontosaurus giống với các mô tả trước đó của Stromer, mở ra cơ hội nghiên cứu sâu hơn về loài ăn thịt khổng lồ này.

Cuộc hành trình đầy nguy hiểm của Giáo sư Sereno vượt qua sa mạc Sahara trong cái nóng khủng khiếp, những cơn bão cát chết người, mối đe dọa từ bọn cướp với thành quả là các phát hiện đáng kinh ngạc của ông đã được dựng lên thành nhiều bộ phim tài liệu dưới sự bảo trợ của National Geographic Society.

Vào năm 2007, Giáo sư Sereno và người cộng sự Stephen Brusatte đã công bố bản mô tả một loài Carcharodontosaurus khác, C. iguidensis, từ hệ tầng Echkar ở Niger. Mẫu vật có kích thước tương tự với các hóa thạch ở Morocco nhưng có nhiều khác biệt ở xương hàm trên và các cấu trúc nội sọ. Phát hiện này đã làm dấy lên những sự quan tâm về Carcharodontosaurus và kéo dài cho đến ngày nay, khi Carcharodontosaurus đã trở thành một loài khủng long xuất hiện trong gần như mọi cuốn sách giáo khoa về khủng long, trò chơi điện tử hay các bộ phim tài liệu, điển hình như Planet Dinosaur của đài BBC.

Sát thủ răng cá mập

Cái tên Carcharodontosaurus (“thằn lằn răng sắc” hay “thằn lằn răng cá mập”) bắt nguồn từ chi cá mập Carcharodon, bao gồm cá mập trắng lớn (Carcharodon cacharias). Carcharodontosaurus có bộ răng vô cùng sắc bén với mỗi chiếc có thể dài đến 20 cm, các cạnh có răng cưa tương tự như ở loài cá mập trắng lớn, giúp chúng có thể dễ dàng thể cắt qua da thịt con mồi. Bộ răng này có thể gây ra các vết thương khủng khiếp cho con mồi. Nạn nhân xấu số sau đó sẽ bị choáng do mất một lượng máu lớn chỉ trong thời gian ngắn, tạo điều kiện cho Carcharodontosaurus áp sát và kết liễu.

Cận cảnh một chiếc răng của Carcharodontosarus được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Áo, Vienna (nguồn: Gyik Toma)

Carcharodontosaurus có cấu trúc cơ thể giống với đa số các loài theropods ăn thịt khi có các chân sau rất khỏe trong khi chi trước thoái hóa cùng một cái đuôi dài giúp giữ thăng bằng. Các ước tính gần đây cũng cho thấy chiều dài của Carcharodontosaurus vào khoảng 12 – 13 m và nặng từ 6 – 15 tấn, gần tương đương với kích thước của một con Spinosaurus hoặc T. rex trưởng thành, qua đó nghiễm nhiên có một vị trí trong bảng xếp hạng các loài khủng long ăn thịt lớn nhất.

Giống như những loài khủng long họ hàng, Carcharodontosaurus sở hữu một hộp sọ khổng lồ. Theo ước tính, hộp sọ của Carcharodontosaurus dài đến 1,6 m, chỉ thua kém người họ hàng ở Nam Mỹ của chúng là Giganotosaurus. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất nằm ở cấu tạo hộp sọ với phần mái sọ cong lên và có các hố lớn bất thường ở hai bên, so với cấu trúc tương tự ở T. rex và các loài theropod lớn khác. Điều này làm cho hộp sọ nhẹ hơn rất nhiều so với kích thước khổng lồ của nó.

paul sereno and carcharodontosaurus
Giáo sư Paul Sereno bên cạnh hộp sọ khổng lồ của Carcharodontosaurus saharicus (nguồn: Louie Psihoyos)

Các hóa thạch được phát hiện gần đây cho phép nghiên cứu sâu hơn về loài Carcharodontosaurus saharicus, qua đó có thể hình dung được cách thức sinh sống và săn mồi của chúng.Theo nghiên cứu của Donald Henderson, Carcharodontosaurus có khả năng nhấc được các con mồi nặng đến 424 kg, dựa trên các tính toán sức mạnh của bộ hàm, khối cơ vùng cổ và trọng tâm của con vật.

Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy bằng chứng của các túi khí trong bộ xương hóa thạch của Carcharodontosaurus. Tương tự với các loài chim hiện đại, các túi khí này có vai trò rất quan trọng trong việc hô hấp. Hệ thống này giúp cung cấp oxy rất hiệu quả cho hoạt động của kẻ ăn thịt đáng sợ này, nhất là khi chúng cần phải di chuyển liên tục để tìm thức ăn. Tính trung bình, mỗi cá thể Carcharodotonsaurus cần tiêu thụ đến 60 kg thịt mỗi ngày và chúng phải di chuyển trong một khu vực rộng khoảng 500 km vuông để tìm thức ăn.

Carcharodontosaurus nói riêng và các thành viên trong họ carcharodontosauridae thường bị xem là kém thông minh hơn T. rex do có bộ não nhỏ hơn. Đây là một quan niệm sai lầm vì kích thước không quan trọng bằng sự phát triển của các thành phần riêng biệt của não bộ như thần kinh, trí nhớ và tư duy. Ví dụ một loài động vật có vùng cảm ứng (như khứu giác và thị giác) lớn hơn một loài khác không có nghĩa là có trí thông minh vượt trội hơn bởi vì những vùng não bộ này không có khả năng suy nghĩ hay giải quyết vấn đề.

Vùng khứu giác trên não Carcharodontosaurus rất phát triển, cho thấy chúng có khả năng đánh hơi cực kỳ nhạy bén, có lẽ tốt hơn cả loài chó hiện đại và không thua kém T. rex. Khứu giác phát triển giúp Carcharodontosaurus có khả năng lần theo dấu con mồi dù ở khoảng cách rất xa.

Mặc dù có thần kinh thị giác và hốc mắt rất lớn nhưng có vẻ thị lực của chúng vẫn bị hạn chế do mắt nằm ở hai bên đầu, khiến chúng không có thị trường hai bên giống như ở T. rex. Tuy nhiên, thị giác vẫn đóng một vai trò rất quan trọng trong khả năng săn mồi của Carcharodontosaurus khi có khả năng quan sát thị trường lập thể giúp nhận biết chiều sâu để ước lượng khoảng cách tới con mồi.

Não bộ của Carcharodontosaurus giống với các archosauria đời đầu với nhiều đặc tính tương tự ở các loài bò sát khác như cá sấu và rùa. Kích thước não bộ của Carcharodontosaurus có lẽ được ước tính dựa trên các tổ tiên archosauria của chúng do nhiều loại theropod có chung nguồn gốc cũng có tỷ lệ đại não so với toàn bộ thể tích não bộ tương tự, chẳng hạn như Allosaurus fragilis. Khi cơ thể chúng trở nên to hơn, bộ não vẫn giữ nguyên kích thước dẫn đến việc chúng không thể phát triển thêm nữa về mặt sinh học.

Trong khi đó, các khủng long coelurosauria, bao gồm T. rex và các tổ tiên của loài chim hiện đại lại có não bộ phát triển theo hướng khác với các archosauria cổ đại cho phép chúng có khả năng tư duy tốt hơn. Do đó có thể thấy Carcharodontosaurus không thuộc về xu thế tiến hóa chung của các loài khủng long. Đây có thể là một trong các lý do tại sao các chi Carcharodontosauridae lại biến mất vào cuối Kỷ Creta để nhường chỗ cho các loài khủng long mới ưu việt hơn.

carcharodontosaurus double death
Một cặp Carcharodonsaurus saharicus cùng chiến lợi phẩm là một con Rayosaurus tessonei (tác giả: R. Nicholls)

Carcharodontosaurus và Spinosaurus

carcharodontosaurus chiến đấu spinosaurus
Carcharodontosaurus đã từng chạm trán rất nhiều lần với Spinosaurus (tác giả: Julian Johnson Mortimer)

Carcharodontosaurus là cư dân của địa tầng Kem Kem có nguồn gốc từ giai đoạn Cenomania hậu Kỷ Creta, ngày nay thuộc biên giới Morocco – Algeria. Vùng đất có cái tên kỳ lạ này được các nhà khoa học nhận định là một nơi nguy hiểm bậc nhất trong lịch sử Trái đất khi là quê nhà của vô vàn loài sinh vật đáng sợ khác như Rugops, Deltadromeus và đặc biệt là Spinosaurus.

Trái ngược với sự khô cằn của sa mạc Sahara ngày nay, vùng đất này vào thời điểm của Carcharodontosaurus tràn đầy sức sống với hệ động – thực vật vô cùng phong phú. Khí hậu rất ấm áp và ẩm ướt với nhiều khu rừng nhiệt đới xanh tốt bao quanh bởi các đồng bằng, đầm lầy và hệ thống sông hồ dày đặc.

Đây là nơi cư ngụ của các loài khủng long ăn thực vật, đồng thời cũng là con mồi ưa thích của Carcharodontosaurus như khủng long mỏ vịt Ouranosaurus hay loài sauropod khổng lồ Paralititan. Mặc dù là loài khủng long săn mồi đầu bảng trong khu vực nhưng Carcharodontosaurus cũng là một kẻ ăn thịt cơ hội khi sẵn sàng ăn xác chết hoặc cướp con mồi của kẻ khác với kích thước cơ thể khổng lồ như vậy.

Như đã đề cập, vùng đất nơi Carcharodontosaurus cũng đồng thời là nơi sinh sống của nhiều loài ăn thịt nguy hiểm khác nên các cuộc đụng độ giữa chúng là không thể tránh khỏi. Trong các đối thủ của Carcharodontosaurus thì có lẽ Spinosaurus là kẻ khó chơi nhất. Đã có các bằng chứng về sự xung đột giữa hai loài khi một đốt sống hóa thạch của Spinosaurus có vết răng của Carcharodontosaurus.

Một khi cuộc chiến giữa hai loài diễn ra, kết quả sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu cuộc đụng độ diễn ra trên cạn, nhiều khả năng Carcharodontosaurus sẽ có cơ hội chiến thắng cao hơn. Ngược lại, nếu chiến trường là bờ sông hay đầm lầy, lãnh địa của Spinosaurus thì Carcharodontosaurus sẽ gặp rất nhiều bất lợi.

Ngoài ra, nếu có tập tính giống như các họ hàng của nó là Allosaurus hay Giganotosaurus, Carcharodontosaurus thường không đi săn một mình. Khi đó, dù có to lớn đến mức nào thì một Spinosaurus trưởng thành cũng khó địch lại số đông. Thậm chí đã có trường hợp Carcharodontosaurus còn chủ động săn các Spinosaurus chưa trưởng thành hoặc quá già để ăn thịt.

Một chi tiết thú vị liên quan đến cặp đối thủ không đội trời chung này là chúng đều chia sẻ số phận trùng hợp đến kỳ lạ: cả hai đều được đặt tên bởi nhà khảo cổ Ernst Ostrom và các hóa thạch đầu tiên, hoàn chỉnh nhất của chúng đều bị phá hủy trong một cuộc không kích của quân Đồng minh vào thành phố Munich (Đức) trong Đệ nhị thế chiến, dẫn đến những khó khăn trong việc nghiên cứu về hai loài này trong suốt một thời gian dài.

Carcharodontosaurus và cái kết của khủng long răng cá mập

Vào giai đoạn Cenomania, mực nước biển dâng lên khiến siêu lục địa Gondwana bị phân tách thành nhiều phần, chia cắt các quần thể khủng long, trong đó có các quần thể Carcharodontosaurus bị chia cắt, dẫn đến việc hình thành hai loài riêng biệt, trong đó C. saharicus ở phía Bắc và C. iguidensis ở phía Nam. Đây cũng là lý do tại sao các họ hàng của chi Carcharodontosaurus cũng có ngoại hình tương tự khi phần lục địa Nam Mỹ bị tách khỏi Gondwana. Hiện tượng này được gọi là sự hình thành loài khác vùng (allopatric speciation).

Hiện tượng nước biển dâng lên đã phá hủy phần lớn các đầm lầy ven biển và vùng đồng bằng ngập nước xanh tươi của Bắc Phi, kéo theo sự hủy diệt của toàn bộ hệ sinh thái trong khu vực và sự tuyệt chủng của các loài sinh vật đứng đầu chuỗi thức ăn như các carcharodontosaurid spinosaurid là điều không tránh khỏi.

Leave a Reply