Velociraptor – sát thủ miền hoang mạc

dựng hình khủng long Velociraptor
Dựng hình Velociraptor mongoliensis (tác giả Gerard Rodriguez)

“Ngôi sao” Velociraptor

Velociraptor là một trong những loài khủng long nổi tiếng nhất, đặc biệt sau loạt phim Jurassic Park và Jurassic World. Tuy nhiên, hình tượng Velociraptor trong phim rất khác với thực tế và có lẽ được dựa trên người họ hàng Deinonychus.

Velociraptor (“kẻ săn mồi tốc độ”) là một chi khủng long dromaeosauridae (raptor) sống vào cuối kỷ Creta (71 – 75 triệu năm trước). Hiện tại, có hai loài đã được định danh là V. mongoliensis được phát hiện tại Mông Cổ và V. osmolskae được phát hiện năm 2008 tại Nội Mông, Trung Quốc.

Những hóa thạch Velociraptor đầu tiên

Hóa thạch Velociraptor đầu tiên được Peter Kaisen phát hiện năm 1923 tại sa mạc Gobi ở Ngoại Mông, gồm một hộp sọ hoàn chỉnh và một trong các ngón chân. Một năm sau, Henry F. Osborn, chủ tịch Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ chính thức đặt tên loài là V. mongoliensis (“kẻ săn mồi tốc độ vùng Mông Cổ”).

Sau đó, các nhà khoa học Soviet, Ba Lan và Mông Cổ tiếp tục khai quật thêm nhiều hóa thạch, trong đó nổi tiếng nhất là mẫu vật một cá thể Velociraptor đang chiến đấu với một con Protoceratops andrewsi được bảo quản trong điều kiện hoàn hảo vào năm 1971. Hóa thạch được tìm thấy trong những đụn cát nên có vẻ hai con vật đã như bị chôn vùi trong một cơn bão cát. Trong đó, Velociraptor nằm bên dưới và đang đâm móng vuốt đâm vào cổ họng con mồi, trong khi phần mỏ của Protoceratop ngoạm vào cánh tay phải của kẻ thù. Phần cơ thể Protoceratop không nguyên vẹn, có khả năng đã bị các con vật khác ăn mất. Mẫu hóa thạch này hiện nay đã được Mông Cổ công nhận là bảo vật quốc gia.

Hóa thạch Velociraptor chiến đấu với Protoceratop phát hiện tại Mông Cổ năm 1971 (Nguồn: Yuya Tamai)
Hình ảnh phục dựng mẫu hóa thạch Velociraptor chiến đấu với Protoceratop (Nguồn: L. M. Chiappe)

Tất cả các hóa thạch Velociraptor mongoliensis đều được khai quật trong hệ tầng Djadochta tại Mông Cổ. Ở hệ tầng Barun Goyot trẻ hơn cũng thuộc Mông Cổ đã phát hiện được một số hóa thạch raptor, mặc dù chưa rõ là Velociraptor hay là một chi họ hàng của chúng. Các hệ tầng này đều thuộc giai đoạn Campania cuối kỷ Creta (70 – 83 triệu năm trước). Ngoài ra ở địa tầng Bayan Mandahu thuộc khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc đã phát hiện được một loài Velociraptor mới năm 2008 là V. osmolskae.

Velociraptor – sát thủ tí hon

So với những loài họ hàng như Deinonychus hay Utahraptor, Velociraptor có kích thước khá nhỏ, chỉ bằng một con gà tây với chiều dài 2 m, nặng khoảng 15 kg và cao 0,5 m tính đến phần hông. Đặc điểm giúp phân biệt Velociraptor và các raptor khác là hộ sọ dài (khoảng 25 cm) với hàm trên lõm và hàm dưới lồi. Mỗi hàm có 26 – 28 răng nằm xa nhau, bờ sau răng có các gờ răng cưa.

Tương tự các loài raptor khác, Velociraptor có chi trước dài với ba móng vuốt cong, giống với cánh của các loài chim hiện đại. Cấu trúc xương cổ tay khiến chúng không thể ngửa bàn tay mà chỉ có thể xoay vào trong. Velociraptor đi bằng hai chân với các chi sau tương đối khỏe, giúp chúng có thể chạy với tốc độ 40 km/giờ. Mặc dù không quá nhanh như cái tên của chúng nhưng tốc độ này vẫn khá nhanh trong giới khủng long. Các raptor nói chung và Velociraptor nói riêng chủ yếu bước đi trên ngón ba và ngón bốn, khác với hầu hết khủng long theropod. Ngón chân đầu tiên nằm ở phía sau, ngón thứ hai luôn vểnh lên kèm theo một móng vuốt hình liềm vô cùng sắc nhọn có thể dài đến 6,5 cm tạo nên món vũ khí trứ danh của các loài raptor.

Velociraptor fossil
Hóa thạch Velociraptor mongoliensis trong tư thế săn mồi (Nguồn: Ben Townsend)

Năm 2007, các nhà khảo cổ phát hiện được hóa thạch xương cánh tay của V. mongoliensis còn đầy đủ lông vũ. Bộ lông đóng vai trò thu hút bạn tình, bảo vệ cho trứng tổ, tạo lực đẩy để tăng tốc khi chạy lên dốc. Ngoài ra, đây còn là một lớp cách nhiệt giống như đa số các loài vật hiện nay, qua đó có thể cho rằng Velociraptor là một loài bò sát máu nóng, nhất là khi chúng cần một lượng năng lượng đáng kể để săn mồi. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng ở raptor phản ánh khả năng trao đổi chất kém hơn các loài thú và chim hiện đại.

Chim kiwi có nhiều điểm chung với các loài raptor về loại lông vũ, cấu trúc xương và đặc điểm vách mũi hẹp (thường là yếu tố chỉ điểm khả năng chuyển hóa). Đây là loài chim hoạt động tích cực, không bay được, với nhiệt độ cơ thể ổn định và mức độ chuyển hóa khi nghỉ ngơi tương đối thấp, qua đó có khả năng phản ánh sự chuyển hóa của các raptor và các loài chim nguyên thủy.

Tỷ lệ kích thước não bộ Velociraptor so với cơ thể tương đối cao so với mặt bằng chung các loài khủng long. Do đó đây là một trong những loài khủng long thông minh nhất, tuy nhiên không đến nỗi có thể qua mặt con người như trên phim.

Tập tính săn mồi của Velociraptor

So sánh phần xương quanh mắt với các loài chim và bò sát hiện đại cho thấy có vẻ Velociraptor là loài hoạt động về đêm. Phân tích bên trong hộp sọ cho thấy Velociraptor có khả năng nghe được các sóng hạ âm có tần số từ 2,368 – 3,965 Hz nên có thể dễ dàng lần theo dấu con mồi.

Móng vuốt của Velociraptor ban đầu được cho là được dùng để rạch và xé xác con mồi. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy chúng không đủ sức mạnh để làm việc đó. Vì vậy, Velociraptor chủ yếu dùng móng vuốt để đâm vào những vị trí hiểm yếu của con mồi như các mạch máu lớn hay cổ họng. Denver Fowler cho rằng các raptor giết mồi tương tự như cách mà các loài chim săn mồi hiện đại thực hiện: dùng trọng lượng ghì chặt nạn nhân xuống đất và giữ cho chúng không thể vùng vẫy hay chạy thoát bằng bộ vuốt. Sau đó, kẻ ăn thịt sẽ thưởng thức bữa ăn ngay khi nạn nhân còn sống. Giả thuyết này dựa trên so sánh về hình thái chi sau của raptor với các loài chim ăn thịt hiện đại. Trong đó, cấu tạo cẳng chân và bàn chân giống với ó và diều hâu, nhất là ở móng vuốt thứ hai còn phần cổ chân tương tự ở cú.

Phương pháp bắt mồi này còn được thực hiện nhờ vào sự phối hợp các bộ phận khác. Đôi cánh tay được bao phủ bởi lông vũ làm giảm lực cản cùng với cái đuôi dài giúp Velociraptor giữ thăng bằng khi khống chế con mồi. Khi sức mạnh của đôi chân không đủ hạ gục con mồi thì bộ hàm, dù có lực cắn yếu, sẽ làm nhiệm vụ kết liễu nạn nhân xấu số.

Loài Deinonychus họ hàng gần của Velociraptor đã được chứng minh có tập tính săn mồi theo bầy. Tuy nhiên, các hóa thạch Velociraptor tuy có số lượng nhiều nhưng được tìm thấy tương đối xa nhau, qua đó cho thấy loài này thực chất là các sát thủ đơn độc, trái ngược với hình tượng trên phim.

Mặc dù hội tụ đủ các đặc điểm của một kẻ săn mồi đầy nguy hiểm nhưng các bằng chứng cũng cho thấy Velociraptor cũng có thể ăn xác chết để thích ứng với tình trạng khan hiếm con mồi hoặc khi không thể đi săn.

Leave a Reply